Bà con các vùng nguy hiểm đã được đưa đi trú bão - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

6h sáng 28-9, ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Hội An (Quảng Nam), gọi hỏi: "Đà Nẵng răng mi? Ta thức trắng đêm qua canh từng chút cơn bão. Lớn quá! May mà không ai bị chi!".

Mình nói: "Dạ Đà Nẵng ổn anh, có mấy nhà tốc mái. Chưa nghe ai bị chi". Ông bảo: "Hội An cũng rứa! Mừng quá. Mà người dân bữa ni kinh nghiệm quá rồi!".

Ông Sự so sánh rằng theo kinh nghiệm của ông, cơn bão số 4 năm nay mạnh không thua gì cơn bão Xangsane 2006, nhưng khác nhau ở chỗ là người dân và chính quyền đã quá kinh nghiệm với bão to. 

Điều không thể không nhắc đến là qua 16 năm, đời sống người dân nay đã khác, phố phường đã khác, nhà kiên cố hơn, vững vàng hơn, công sở cũng vậy, chắc chắn và vững chãi hơn cho người dân trú ngụ.

Đà Nẵng quán triệt bằng quyết sách mạnh mẽ buộc phải hoàn thành di dời dân trước 14h ngày 27-9, tức gần 10 tiếng trước khi bão đổ bộ. Người dân không được ra đường lúc 20h. 

Quảng Nam cũng vậy, cấm hẳn người dân ra đường trước lúc bão Noru càn quét. Cương quyết di dời dân ra khỏi những căn nhà yếu, nhà cấp bốn có nguy cơ cao. Dân phòng đến từng ngõ, gõ từng nhà để đưa dân đi. Quyết liệt đưa đi. Ai phản đối, cưỡng chế!

Người dân được đưa đến nơi an toàn trú bão đêm qua - Ảnh: TẤN LỰC

Đến chiều tối qua, thấy đèn trên các con tàu ở âu thuyền tránh bão Thọ Quang, lần thứ 3 trong ngày, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, giám đốc Công an Đà Nẵng, có mặt tại đây kiểm tra, chỉ huy công tác ứng phó với bão số 4, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho ngư dân và tàu cá khi bão đổ bộ vào đất liền.

Trước khi bão Noru đổ bộ, nhiều đội tuần tra trên đường đã giúp đưa những người dân lỡ việc chưa về kịp đến nhà vào nơi trú ẩn, hoặc chở về nhà an toàn, nhanh chóng. Đảm bảo không một ai rớt lại trên đường hoặc co ro trong bão.

 

Toàn bộ học sinh nghỉ học sớm, nhiều người phàn nàn chuyện này, và cho là phiền phụ huynh. Nhưng khoảng thời gian còn lại ít ỏi đó, chính quyền, bộ đội, công an... biến trường học thành các nơi đồn trú chắc chắn cho người dân tránh bão. Bàn ghế được kê lại, chiếu chăn được trải ra, lương thực, nước uống bày biện ra đó, rồi đưa người dân đến trú. Tất cả đều nằm trong kịch bản, có sự tính toán.

Báo cáo nhanh nhất đến 7h sáng nay 28-9, Đà Nẵng có ba nhà tốc mái, chưa có thiệt hại về người. Đây rõ ràng là thông tin tốt lành nhất trong ngày tại Đà Nẵng sau đêm dài bão quật, đáng để chúng ta mong đợi. 

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền và người dân Đà Nẵng, Hội An có được sự chủ động đó. Họ phải trải qua nhiều đợt tập dượt có, thực tiễn có, với hàng chục cơn bão qua nhiều đời nay dọc ven biển miền Trung.

Điều nữa không thể không nhắc tới là đời sống kinh tế người dân sau 16 năm từ bão Xangsane mọi thứ đã khác. Những mái nhà tôn thấp ven biển ít đi, mà thay vào đó là các căn nhà chắc chắn hơn, ít nhiều cũng có mái đổ bê tông để cả gia đình ẩn nấp khi có bão.

Nhà nào không có điều kiện thì hàng xóm cũng có căn nhà mái đúc như vậy để cùng chia nhau lúc hoạn nạn. Để có một điều bình thường phải mất đến 16 năm, thời gian đừng tưởng quá ngắn cho một giấc mơ, một nhu cầu rất đỗi bình thường.

Sự chính xác, trách nhiệm của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, quốc tế đáng được hoan nghênh. Họ báo chuẩn xác đường đi, sức mạnh, lan tỏa rộng rãi góp phần tích cực đến từng gia đình trong công tác phòng chống. 

Nhiều người cười nhạo trên mạng chúng ta đang làm quá lên về thông tin, cường độ bão... nhưng chắc chắn điều đó không thảm khốc bằng những cái chết đau lòng do chúng ta quá chủ quan, khinh bão.

Có thể sau bão, hàng trăm thứ ngổn ngang, nhưng tính mạng con người là quan trọng nhất, chúng ta đã giữ được.

Và cuối cùng là sự quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu chính phủ và các thành viên đã mạnh mẽ, cương quyết bảo vệ và đồng hành với người dân tới cùng trong hoạn nạn.