Tôm là thực phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất dồi dào và mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt hàm lượng canxi lớn từ tôm tốt cho sức xương khớp. Vậy những người bị bệnh gout có ăn được tôm không?

1. Thành phần dinh dưỡng của tôm
Trong một khẩu phần tôm nấu chín (85g) chứa 84 calo. Tôm tự nhiên chứa rất ít carbohydrate, với dưới 1 gam mỗi khẩu phần. Vì tôm không phải là thực phẩm có nguồn gốc thực vật nên không chứa chất xơ.

Tuy nhiên, cách chế biến và chuẩn bị sẽ ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của tôm. Ví dụ, tôm đã được nấu chín tẩm bột mì và vụn bánh mì sẽ có hàm lượng carbohydrate và calo cao hơn so với món tôm hấp.

Tôm chứa ít hơn 1 gam chất béo trong mỗi khẩu phần, tuy nhiên chúng gần như không có chất béo bão hòa liên quan đến bệnh tim mạch. Hầu hết chất béo trong tôm đến từ axit béo omega-3 có lợi và chất béo không bão hòa đa. Tuy nhiên, chiên tôm trong bơ hoặc dầu sẽ làm tăng hàm lượng chất béo tổng thể của món ăn.

Tôm là một nguồn protein tốt và cung cấp các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.

Tôm chứa tất cả các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể. Đó là một cách lành mạnh cho tim để tăng lượng protein mà không cần nạp thêm chất béo bão hòa. Cơ thể sẽ nhận được 20g protein nạc trong một khẩu phần tôm 85g.

Ngoài ra, tôm cũng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó đặc biệt là hàm lượng vitamin B12 dồi dào. Bên cạnh đó, tôm cũng là một nguồn phốt pho, choline, canxi, sắt, magie, kali, kẽm và selen tốt.

2. Có nên ăn tôm nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh gout?
Gout là bệnh viêm khớp thường gặp do rối loạn chuyển hóa, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Purine trong thực phẩm khi được hấp thu vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric, hàm lượng axit uric tăng cao dẫn đến khớp bị viêm, sưng đau.

Purin tự nhiên được tìm thấy trong hầu hết các tế bào của cơ thể cũng như trong thực phẩm. Nhưng có những loại thực phẩm có hàm lượng purin cao hơn những loại khác.

Trong đó, tôm thường được coi là thực phẩm có hàm lượng purine cao. Có nhiều loại tôm và mỗi loại lại mang một số lượng purin khác nhau. Hàm lượng purin trong mỗi 100g tôm và tôm hùm lần lượt là 147mg, 102mg. Loài tôm phương Đông  mang lại hơn 300mg axit uric so với cùng một lượng thực phẩm.

Một lượng purine cấp tính hoặc ngẫu nhiên sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tái phát các cơn gout cấp. Trên thực tế, hạn chế những thực phẩm có hàm lượng purine cao sẽ giúp người bệnh an toàn. Đây là lý do tại sao các bác sĩ thường khuyến nghị một số thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống cho những người bị bệnh gout.

Tuy nhiên, các loại hải sản trong đó có tôm lại là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, rất tốt cho sức khỏe. Do đó, theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Ánh (Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện E), thay vì kiêng tuyệt đối, người bệnh vẫn có thể ăn hải sản trong mức hợp lý để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Trước khi ăn hải sản, người bệnh gout cần cân nhắc về hàm lượng purin có trong những thực phẩm này, đảm bảo tiêu thụ dưới 100mg purin/ngày, một tuần ăn tối đa 2 lần.

Việc hấp thu purine quá mức sẽ làm bệnh gout tiến triển nặng, khởi phát những cơn đau cấp tính, gây sưng viêm khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

3. Lưu ý cách chế biến cho người bệnh gout

Người bệnh gout không nên ăn tôm rang, tôm chiên bơ...

Ngoài việc lưu ý về hàm lượng purin có trong hải sản, người bệnh gout còn cần chú ý đến phương pháp chế biến. Theo đó, luộc hoặc hấp giúp làm giảm hàm lượng purin có trong hải sản, rất thích hợp cho người bệnh gout. Ngoài ra, những phương pháp chế biến này còn có ích cho sức khỏe tổng thể khi giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng và không cần phải thêm quá nhiều gia vị trong quá trình thực hiện. Người bệnh gout không nên ăn tôm rang, chiên bơ...

Không nên ăn tôm với các loại thực phẩm chứa nhiều canxi: Trong tôm vốn đã có một lượng lớn canxi, nếu người bệnh đã ăn tôm thì không nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều canxi khác. Bởi chúng có thể khiến hệ tiêu hóa gặp bất lợi, gây đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.