Ngư dân vụ tàu mất tích: 'Tôi đứt ruột khi thả xác người thân xuống biển'
Chiều 21/7, bốn ngư dân trên tàu cá Bình Thuận bị chìm được tàu Cảnh sát biển 7011 thuộc Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đưa về thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Họ được kiểm tra sức khỏe, trước khi chuyển đến bệnh viện tiếp tục theo dõi.
Dùng áo hứng nước mưa với hy vọng được sống
Dáng vẻ tiều tụy, đôi mắt trũng sâu, dáng đi khập khiễng, ông Trần Theo, 55 tuổi, một trong bốn ngư dân được cứu, cho hay mình là một trong 15 thuyền viên trên tàu cá do ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi, quê Phan Thiết, Bình Thuận), làm thuyền trưởng.
Tàu này dài hơn 19m, công suất 310 CV, xuất bến Phan Thiết ra vùng biển Trường Sa đánh cá từ ngày 21/6. Đến hôm 10/7, trên đường trở về bờ, cách đảo Phú Quý thì tàu gặp nạn, bị sóng đánh chìm. Toàn bộ phao cứu hộ, lương thực đều nằm dưới biển.
15 thành viên khi đó đã xuống hai thuyền thúng, chia làm hai nhóm thoát thân. Ông Theo lên thuyền thúng có 7 người.
“May mắn còn có thuyền thúng để chúng tôi bám vào đó với hy vọng có tàu đi ngang qua cứu”, ông Theo kể.
Ngư dân này rầu rĩ, suốt 9 ngày lênh đênh trên biển, 3 đồng nghiệp khác kiệt sức, lần lượt tử vong.
Ông Theo kể, trôi dạt giữa biển nhiều ngày trong điều kiện thời tiết có lúc rất xấu, cùng với đó là đói, khát và lạnh khiến mọi người kiệt sức dần, có người thiếp đi.
"Anh em trên thuyền thúng phải liên tục vỗ dậy, động viên và trấn tĩnh lạc quan để vượt qua. Điều đáng sợ nhất là khi trời tối, mọi thứ trở nên nặng nề, xung quanh là biển mênh mông. Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất”, ông Theo nói.
Ông cho biết, có khi chân tê buốt, nhưng cũng phải bình tĩnh, bởi ông ý thức một người mà nản chí thì tất cả sẽ buông xuôi.
Chưa hoàn hồn, ông Theo nhớ lại, lênh đênh giữa biển khi đó phải chống chọi với những cơn sóng vỗ mạnh, thuyền thúng lắc, nước vào nên phải liên tục tát nước ra khiến ai cũng bơ phờ. Cùng với đó là cảnh không có cái ăn. Để chống chọi với đói, khát, anh em phải dùng áo hứng nước mưa để uống, rồi cầu nguyện sẽ có tàu đi qua phát hiện.
Sau 9 ngày lênh đênh, điều kỳ diệu cũng đến với họ, khi tàu cá của ngư dân Bình Định do ông Lê Thanh Toàn (38 tuổi) làm thuyền trưởng, đi qua phát hiện tiếp cận ứng cứu vào chiều 19/7. Vị trí tàu ông Toàn phát hiện, cứu vớt các ngư dân cách điểm bị nạn cuối cùng hơn 240 hải lý về phía Đông Đông Bắc (gần quần đảo Trường Sa).
Tàu ông Toàn phát đi thông báo qua Đài thông tin Duyên hải Phan Thiết về sự việc trên, đồng thời cho biết, các ngư dân sức khỏe yếu, cần hỗ trợ. “Chúng tôi cảm kích tấm lòng của anh Toàn. Nếu không gặp được tàu bạn, chúng tôi không biết số phận của mình sẽ thế nào”, ông Theo nói.
Chuyến biến ám ảnh khi mất ba người thân
Nhiều năm đi biển, trải qua bao sóng gió nhưng tới giờ anh Nguyễn Thành Luyến (36 tuổi), vẫn chưa thôi ám ảnh, khi vừa trải qua gần chục ngày đối mặt với lằn ranh sinh tử. Được cứu, nhưng anh vẫn buồn khi nhiều đồng nghiệp còn mất tích.
Giọng buồn, anh Luyến nhớ lại, trên thuyền thúng của anh có chú ruột là Nguyễn Thành Lương, anh cả là ngư dân Nguyễn Thành Lãng. Còn trên chiếc thúng có 8 người thì có em trai Nguyễn Thành La. Sau nhiều ngày trên biển, chú Lương và anh Lãng đuối sức, người bị lở loét nặng do phơi giữa nắng gió nên hai người đã qua đời.
"Khi hai người thân mất, tôi phải đứt ruột bó lại thả xác xuống biển chứ đâu biết làm gì", ông Luyến nấc nghẹn.
Theo anh Luyến, khi gặp sự cố, tàu chìm rất nhanh. Toàn bộ lương thực đều nằm dưới biển lạnh. Mọi người phải túm tụm vào chiếc thuyền thúng, thả trôi. Hôm đầu, anh em còn cầm cự được. Những ngày sau, anh cùng mọi người bắt đầu đuối sức dần khi phải chống chọi với những đợt sóng dữ. Để không gục xuống, các thuyền viên phải liên tục té nước vào mặt cho tỉnh táo và dùng chiếc xúc nhựa tát nước biển ra khỏi thúng. Khi thấy tàu lớn từ xa, cả nhóm ráng sức la hét, ra tín hiệu mong được cứu giúp nhưng bất thành.
"Lúc kiệt sức, tôi tự nhủ phải vượt qua để về với vợ con", anh nói và dự định nghỉ một thời gian để quên đi chuyến đi bão táp này.
Ngoài ông Theo, anh Luyến, hai ngư dân khác cũng được cứu, đưa về Khánh Hòa là ông Hà Văn Tấn (45 tuổi) và Trần Thuận Thanh (55 tuổi). Tuy nhiên, ông Thanh sức khỏe yếu được chăm sóc y tế ngay sau khi về đến bờ.
Đại úy Lê Khánh Hải, Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 7011 cho biết, được sự phân công của chỉ huy, tàu cảnh sát biển đã di chuyển từ đất liền ra tiếp nhận 4 ngư dân từ tàu cá Bình Định. Tới nơi, tàu khó tiếp cận được các thuyền viên do thời tiết xấu, phải 20 giờ đồng hồ di chuyển theo tàu cá để chờ thời tiết thuận lợi, việc tiếp nhận mới hoàn thành.
Sau khi cứu được 4 ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, bội đội biên phòng tỉnh Bình Thuận và các tàu cá của ngư dân vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc thuyền thúng của các ngư dân còn lại. Trước mắt, lực lượng cảnh sát biển đưa 4 ngư dân còn sống vào bệnh viện gần nhất để điều trị.
Trước đó, Báo VietNamNet đưa tin, tàu cá BTh97478 TS do chủ tàu Bùi Văn Toàn (50 tuổi, trú phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân ra khơi từ ngày 21/6. Ngày 10/7, tàu gặp sự cố, bị mất liên lạc tại vùng biển Trường Sa - DK1.
Ngoài 4 người được cứu, còn 11 thuyền viên trên thuyền thúng đang mất tích và đã tử vong. Hiện, lực lượng chức năng điều 11 tàu, 1 máy bay tham gia tìm kiếm, trong đó có 3 tàu của biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và 8 tàu cá ngư dân.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...