Theo thông tin từ Sức khỏe Đời sống, bé trai 11 tuổi ở TP Sông Công, Thái Nguyên bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ, trẻ bị đa tổn thương vùng đầu, mặt, cổ, bàn chân…

Cụ thể, người nhà cho biết, bệnh nhân bị thuốc pháo nổ, sau tai nạn nhập viện trong tình trạng tổn thương nhiều vùng cơ thể.

Ảnh chụp X-quang bệnh nhân - Ảnh: Sức khỏe Đời sống

Bác sĩ khám kết quả lâm sàng tại BV A Thái Nguyên cho thấy, vùng mặt bệnh nhân có nhiều vết thương nhỏ, kích thước khoảng 1-2 cm/mỗi vết thương, mắt phải xung huyết. Vùng ngực có nhiều vết thương và mảnh kính nhỏ găm vào da.

Vùng mông đùi hai bên và cẳng chân phải có nhiều vết thương tổn thương nông từ 1- 3 cm tổ chức da dập nát.

Tổn thương pháo gây khuyết phần mềm mu bàn chân phải lộ gân kích thước 4x5 cm, gãy đốt bàn ngón V chân phải, gãy đốt gần ngón V chân phải, vỡ xương gót do sức ép của chất nổ.

Dẫn tin từ Dân Trí, các bác sĩ khuyến cáo tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng. Hơn nữa khi tự chế pháo nổ người chơi thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... Đã có không ít những trường hợp đáng tiếc gây tàn tật, thậm chí là tử vong do pháo.

1 trường hợp phải cắt cụt tay do pháo nổ - Ảnh: Người Lao Động

Vì vậy người dân nói chung, đặc biệt là trẻ em cần được tuyên truyền, hiểu biết về những nguy hại do tự chế pháo nổ gây ra, nhất là trong dịp Tết. Người dân cần tuân thủ pháp luật không buôn bán hoặc sử dụng các loại pháo nổ, bởi pháo không chỉ gây tai nạn cho bản thân người đốt pháo mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.