Nhìn lại đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) năm nay, nhiều người vẫn dành sự tiếc nuối cho NSƯT Thanh Quý.

NSƯT Thanh Quý đến với nghệ thuật khi chỉ mới 18 tuổi, là diễn viên diễn viên trực thuộc quản lý của Hãng phim truyện Việt Nam. Từ khi khởi nghiệp năm 1976 đến năm 1992 là khoảng thời gian Thanh Quý hoạt động nhiều nhất. Năm nào cũng có ít nhất một vai diễn trên màn ảnh do bà thủ vai. Bà được biết đến nhờ những vai diễn có số phận éo le, phải đối mặt với sự lựa chọn ngang trái cũng như người phụ nữ có tính cách ngang ngạnh, sắt đá: Chuyến xe bão táp (1976), Những người đã gặp, Tình yêu và khoảng cách (1984), Không có đường chân trời (1986), Chuyện tình bên dòng sông (1992)... Bà từng đoạt Bông sen vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1985 và với những đóng góp cho nền điện ảnh trong nước Thanh Quý đã được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Từ khi nghỉ hưu, NSƯT Thanh Quý không còn tham gia đóng phim điện ảnh, không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương. Chính vì lý do này, bà không được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND ở lĩnh vực điện ảnh (đặc biệt trong bối cảnh Hãng phim truyện Việt Nam gặp nhiều biến cố sau khi xã hội hóa).

Mặc dù, sau khi nghỉ hưu, ở lĩnh vực truyền hình, NSƯT Thanh Quý lại là gương mặt nổi bật. Bởi trong 5 năm trở lại đây, bà liên tục xuất hiện trong những bộ phim gây bão màn ảnh nhỏ, với những vai diễn được giới chuyên môn ngợi khen: Hôn nhân trong ngõ hẹp, Cả một đời ân oán, Hoa hồng trên ngực trái, Nàng dâu order, Lựa chọn số phận, Thương ngày nắng về, Cuộc đời vẫn đẹp sao...

Nhìn vào hoạt động nghệ thuật hiện tại của nghệ sĩ Thanh Quý, khán giả tiếc nuối vì khi về hưu, dù hoạt động năng nổ ở một lĩnh vực khác bà vẫn sẽ chỉ dừng lại là NSƯT, rất khó để trở thành NSND.

"Việc quy đổi huy chương thành danh hiệu thực sự rất bất cập vì như thế buộc các nghệ sĩ phải miệt mài "sưu tập" từ rất sớm. Đơn cử trường hợp nghệ sĩ Thanh Quý nghỉ hưu rồi, Hãng phim truyện cũng cổ phần hóa thì đóng bao nhiêu phim truyền hình cũng không đủ"; "Nếu huy chương chỉ để nhắm đến danh hiệu thì quả là không ổn. Bởi nghệ sĩ được khán giả yêu mến, đồng nghiệp công nhận đâu phải chỉ vì danh hiệu, mà còn bằng nhân cách, đạo đức và tài năng", "Một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương";... có rất nhiều ý kiến dư luận trên các diễn đàn.

Trả lời Gia đình&Xã hội liên quan đến danh hiệu, nghệ sĩ Thanh Quý cho biết bà không quan tâm nhiều vì bây giờ làm hồ sơ rất nhiều giấy tờ phiền phức. Bà bày tỏ sự cảm kích khi luôn nhận được sự yêu quý của khán giả nhiều năm qua.

Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 lần đầu tiên áp dụng theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo đó, để đạt được danh hiệu NSƯT, NSND, bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng... hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tháng 7/2022, Bộ VH-TT&DL đã công bố 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10 được trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Từ tháng 8 năm nay, Bộ VH-TT&DL đăng tải trên trang thông tin của Bộ danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, để lấy ý kiến nhân dân.

Việc lấy ý kiến của nhân dân đã được tiến hành trong 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét duyệt NSND, cho đến nay, đợt 1 có 77 người đạt tiêu chí, đã được thông qua và đợt 2 có 42 cá nhân được phong tặng NSND.