Nếu trước đây viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em thì hiện nay, có tới 2/3 số trẻ em dưới 15 tuổi có biểu hiện đau bụng do viêm loét dạ dày.

Tháng 7/2019 vừa qua, bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nam 15 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, đại tiện phân đen. Bệnh nhân là một học sinh tại lớp chuyên Toán của một trường chuyên nổi tiếng trong thành phố. Áp lực thi cử, học tập khiến trẻ luôn thấy stress, thường xuyên đau bụng âm ỉ.

Trẻ không nói cho gia đình biết cho đến khi bị nôn ra máu thì gia đình mới đưa trẻ đi khám. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị viêm xung huyết hang vị dạ dày, loét hành tá tràng và có vi khuẩn HP.

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm dạ dày?

Áp lực học hành

Cũng giống như người lớn có áp lực trong công việc thì trẻ em ngày nay có rất nhiều áp lực học hành. Học ở trường, học lớp học thêm, học ở nhà, không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Tất cả học sinh từ tiểu học đến phổ thông đều đang phải đối diện với việc quá tải trong việc học dẫn đến mệt mỏi, stress... lâu ngày dẫn tới trẻ bị viêm dạ dày.

Stress là nguyên nhân dễ khiến trẻ bị viêm dạ dày - Ảnh minh họa: Internet

Nhiễm vi khuẩn HP

Kinh tế phát triển đi cùng với những thay đổi về môi trường như nguồn nước, thay đổi trong thói quen sinh hoạt như thức ăn đường phố. Điều này dễ gây lây lan vi khuẩn HP trong cộng đồng. Rất nhiều trẻ em bị mắc vi khuẩn HP gây ra viêm dạ dày, thậm chí tỷ lệ trẻ mắc HP tại Việt Nam đứng đầu trên thế giới.

Thức ăn đường phố khiến trẻ dễ bị nhiễm HP - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu trẻ bị viêm dạ dày

Đau bụng: Trẻ bị viêm dạ dày có biểu hiện đau bụng, liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn hoặc khi ăn những đồ ăn kích thích niêm mạc dạ dày như ớt, tỏi, chuối.

Vị trí đau cũng không giống người lớn, trẻ thấy đau khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị.

Đau bụng là biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm dạ dày - Ảnh minh họa: Internet

Chán ăn, ăn kém: Vì đau bụng, cảm giác khó chịu nên trẻ thường không muốn ăn hoặc sợ ăn vì đau. Hoặc nếu có ăn được thì thức ăn sẽ không được nghiền trộn và chuyển hóa được tốt. Hậu quả là cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.  Trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, uể oải, mất tập trung.

Trẻ thường chán ăn nguyên nhân do bị viêm dạ dày - Ảnh minh họa: Internet

Nôn và buồn nôn: Trẻ thường thấy khó chịu trong bụng, buồn nôn và nôn ra thức ăn lẫn dịch. Nếu trẻ bị loét dạ dày, có thể thấy trong chất nôn có lẫn dây máu. Ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gặp nôn đi nôn lại.

Nôn tái đi tái lại nhiều lần ở trẻ bị viêm dạ dày - Ảnh minh họa: Internet

Đại tiện phân đen: Nếu trẻ có những vết loét đang chảy máu ở dạ dày, máu sẽ rỉ rả và theo xuống đường tiêu hóa, cùng phân đi ra ngoài, khiến phân có màu đen như bã cà phê. 

Trẻ bị viêm dạ dày điều trị như thế nào?

Nội soi dạ dày hiện nay là một phương pháp hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Việc điều trị viêm dạ dày phân thành 2 nhóm chính: Nhóm nhiễm vi khuẩn HP và nhóm không nhiễm HP. Từ đó bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp.

Việc điều trị cần phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý dùng đơn thuốc điều trị của người lớn cho trẻ em.

Ngoài ra, bố mẹ cần:

- Giảm các yếu tố gây stress như giảm áp lực học hành, thức khuya.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh lây nhiễm HP.

- Không nên cho trẻ ăn quá no, vừa ăn vừa chạy nhảy, xem tivi hoặc điện thoại…

Bác sĩ Mai Ánh Điệp 

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội