Nên tự lấy ráy tai ở nhà hay đến tiệm?
Cứ mỗi hai tuần tôi lại đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai, nếu không sẽ rất ngứa và khó chịu. Có người bảo tôi không nên đi tiệm lấy ráy tai, xin bác sĩ cho biết việc lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc có gì nguy hiểm? (Thành Nam, 28 tuổi, ngụ TP.HCM).
Trả lời
Ống tai có một phần là da, trong da có tuyến bã, tuyến mồ hôi. Tế bào chết của da kết hợp chất nhờn của tuyến mồ hôi tạo ra ráy tai.
Ráy tai không gây viêm nhiễm tai, ngược lại có khả năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào tai.
Ráy tai có 2 loại khô và ướt, nếu ráy tai ướt thì có khả năng nhiễm trùng gây viêm ống tai ngoài và cần lấy ra một cách hợp lý, không gây chấn thương.
Chỉ khoảng 5% người có tuyến ráy tai tiết ra nhiều, đọng lại thành ráy tai, da ống tai không đủ sức đẩy ra nên cần có sự chăm sóc y tế. Còn tại nhà, chỉ nên dùng nước muối sinh lý làm tan ráy tai để chúng thoát ra ngoài. Đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai là thói quen có hại.
Ống tai không phải là ống thẳng đi từ ngoài vào trong màng nhĩ mà là hình cong. Với động tác nhai, ngủ nghiêng thì cũng có thể đẩy ráy tai ra ngoài một cách tự nhiên.
Nhiều người không hiểu nên cứ đưa vật nhọn đi thẳng vào ống tai, có thể gây chạm vào thành da, niêm mạc trong ống tai gây sang chấn ống tai ngoài. Các sang chấn tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm ống tai ngoài.
Dụng cụ nhọn nếu xuyên vào màng nhĩ sẽ làm giảm sức nghe, gây chấn thương chuỗi xương con (hệ thống dẫn truyền âm thanh) ảnh hưởng khả năng nghe. Đặc biệt, nếu đi vào sâu nữa là ốc tai - cơ quan thính giác thực thụ của con người sẽ có nguy cơ gây ra điếc vĩnh viễn.
Ngoài ra, sâu trong tai có những dây thần kinh, nhất là thần dây kinh số 7, nếu làm tổn thương sẽ gây liệt mặt; nếu làm tổn thương cơ quan tiền đình gây chóng mặt và nặng nề sẽ không hồi phục được.
Nếu cây lấy ráy tai không may đi xuyên qua nữa có thể làm vỡ mạch máu của động mạch cảnh trong, cấp cứu không kịp thời và đúng cách có thể nguy hiểm tính mạng.
Người dân không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai. Khi ngoáy tai, không nên đưa cây ngoáy tai (gồm cả bông tăm) sâu vào trong ống tai. Đặc biệt không nên ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại vì dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai.
Chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai. Khi bị chấn thương do ngoáy tai, nên đến các cơ sở y tế để được khám, kiểm tra và điều trị.
TS.BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.