Tần suất giãn bể thận ở bé trai gấp ba lần bé gái. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo hội chứng Down ở trẻ nếu như chúng xuất hiện cùng các dấu hiệu bất thường khác.

Giãn bể thận thai nhi là gì?

Giãn bể thận thai là dấu hiệu bất thường thai kỳ

Giãn bể thận thai nhi hay còn gọi là thận ứ nước một hoặc hai bên khoảng 1% số thai nhi trong quá trình mang thai. Thông thường, bể thận của thai nhi có kích thước < 4 mm trước 19 tuần, < 5 mm trước 29 tuần, < 7 mm sau 30 tuần. Nếu chỉ số này lớn hơn mức bình thường thì được đánh giá là thai nhi bị giãn bể thận.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết trường hợp giãn bể thận đơn thuần có tiên lượng tốt. Khi đường kính trước sau bể thận nhỏ hơn 10mm và không có giãn đài thận thì 94-97% sẽ trở về bình thường sau sinh. Nhưng nếu đường kính trước sau bể thận từ 10-15mm thì 48-62% sẽ bình thường và 39% thì cần phải can thiệp phẫu thuật sau đó. Nếu giãn bể thận xuất hiện sau tuần lễ thứ 30, không kèm theo bất thường nào khác, đường kính trước sau bể thận < 10mm có tiên lượng tốt.

Nguyên nhân giãn bể thận ở thai nhi

Giãn bể thận thai nhi do nhiều nguyên nhân gây ra

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa xác định cụ thể được nguyên nhân nào gây ra giãn bể thận thai nhi. Nhưng về căn bản, có thể điểm danh một số nguyên nhân sau:

+ Giãn thận sinh lý: Đây là tình trạng giãn thận chỉ thoáng qua thời điểm siêu âm thời kỳ bào thai. Tình trạng này sẽ không tăng thêm hoặc sẽ dần được cải thiện sau sinh.

+ Giãn thận do tắc nghẽn niệu quản: Thường gặp nhất ở vị trí nối giữa bể thận và niệu quản, tỉ lệ gặp phải tình trạng này là rất thấp khoảng là 1/1.000 trẻ. Giãn thận bể thận ở vị trí niệu quản đổ vào bàng quang, tỉ lệ gặp khoảng 1/2.500 trẻ.

+ Tắc nghẽn niệu đạo: Tình trạng này kéo dài sẽ làm bàng quang căng, không co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài được, sẽ ảnh hưởng đến niệu quản và bể thận.

+ Thận đa nang: Hiện tượng này chỉ xuất hiện khi có sự tắc nghẽn hoàn toàn của niệu quản từ thời kỳ bào thai. Khi bị thận đa nang thì không thể bài tiết nước tiểu và không phát triển bình thường. Hiện tượng này phần lớn chỉ gặp ở một bên thận.

+ Trào ngược bàng quang, niệu quản: Sự trào ngược kéo dài có thể làm giãn niệu quản, bể thận, khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Nên làm gì khi bị giãn bể thận ở thai nhi?

Mẹ bầu cần đi thăm khám theo chỉ định của bác sĩ

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, đa số các trường hợp giãn bể thận thai nhi chỉ cần theo dõi bằng siêu âm trong suốt thời kỳ thai nhi. Quá trình mang thai sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi tình trạng giãn bể thận cũng như thời gian dự kiến sinh, phương pháp sinh.

Tuy nhiên, mẹ bầu cần ghi nhớ tình trạng của thai nhi để thông báo cho bác sĩ siêu âm chẩn đoán trước sinh mỗi khi đi kiểm tra. Khi sinh nên chọn các cơ sở y tế lớn, có điều kiện chẩn đoán và các bác sĩ tay nghề cao để đảm bảo an toàn trong quá trình sinh và sau sinh.

Sau khi bé được sinh ra, bé cần được thăm khám để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh nếu có. Bé cần được siêu âm kiểm tra dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu trong vòng một tuần đầu sau sinh, tốt nhất là từ ngày thứ 3 trở đi để đánh giá được mức độ giãn thận và tắc nghẽn đường tiết niệu.

Các mẹ không nên cho bé đi siêu âm sớm quá bởi vì trẻ sơ sinh trong những ngày đầu sẽ diễn ra sự mất nước sinh lý, bể thận có thể tự nhỏ đi. Như vậy sẽ không phản ánh đúng tình trạng bệnh lý nếu có. Từ kết quả siêu âm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, giúp bé yêu có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.