Nắng nóng lịch sử kéo dài, mùa mưa ở Nam Bộ sẽ rất khốc liệt
15 lần nắng nóng lịch sử trong nửa tháng
Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 4, Nam Bộ có đến 5 lần nắng nóng vượt lịch sử.
Đáng kể nhất là vào ngày 9/4, nhiệt độ cao nhất tại Biên Hòa (Đồng Nai) lên tới 40 độ C, cao hơn giá trị lịch sử đến 1 độ C. Hay ngày 11.4, nhiệt độ lịch sử mới tại Phước Long (Bình Phước) là 39,4 độ C, cao hơn lịch sử cách đó 37 năm đến 0,9 độ C.
Nắng nóng càng tăng thì nỗi mong mưa của hàng chục triệu người dân Nam Bộ và thậm chí cả Tây nguyên càng lớn dần.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại Nam Bộ và Tây nguyên, nắng nóng và khô hạn có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Tại khu vực Bắc và Trung bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7.
Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 5, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn; tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C.
Nam Bộ đang trải qua chuỗi ngày nắng nóng khốc liệt kéo dài.
Tính từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, tình hình nắng hạn ở các tỉnh Tây Nguyên diễn ra hết sức khốc liệt, hàng trăm hồ đập, các suối lớn, nhỏ mực nước đang xuống thấp, có nhiều khu vực suối cạn trơ đáy. Dẫn đến hàng trăm héc-ta hoa màu, cây trồng thiếu nước và hàng ngàn hộ dân đối mặt với thiệt hại về kinh tế trên diện rộng.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, phân tích, sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt liên tiếp, lượng nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm trong không khí đang tăng lên. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bắt đầu có những đám mây kéo tới từ phía tây nam và gió cũng bắt đầu chuyển hướng, nhưng còn nhẹ và chưa đều.
Từ nay đến 21/4, sẽ có mưa dông ở một số nơi với lượng nhỏ, diện hẹp. Những nơi có khả năng mưa cao như Phú Quốc, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM. Một số nơi ở Tây nguyên có thể mưa cục bộ. Vì lượng mưa nhỏ và diện hẹp nên chưa thể giải nhiệt được mà còn làm cho không khí càng oi bức khó chịu hơn.
Từ ngày 21/4 trở đi, áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây hoạt động mạnh và tăng cường sang phía đông, ảnh hưởng nhiều đến nước ta, khiến cho nắng nóng gia tăng cường độ trên cả nước.
Đến cuối tháng 4, gió mùa tây nam bắt đầu xuất hiện, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đến gần với mùa mưa hơn. Tuy nhiên, gió tây nam chỉ mới bắt đầu ở tầng thấp và mang tính tạm thời, chưa đều. Giai đoạn này, những cơn mưa chuyển mùa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác một vài nơi.
Đến ngày 2/5, trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương (phía đông của Philippines) có một vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí là bão. Nếu đúng như dự báo, nó có thể là dấu mốc cho mùa mưa bão năm nay trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.Mùa mưa sẽ rất khốc liệt
Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hiện El Nino gần như đã kết thúc và từ nay đến tháng 6 là giai đoạn trung tính. Từ tháng 6 - 8 có thể bắt đầu bước vào chu kỳ La Nina - mưa nhiều.
Với những biểu hiện thời tiết ở Nam bộ như trên, có thể thấy mùa mưa ở Nam Bộ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 với các địa phương thuộc vùng bán đảo Cà Mau như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Mùa mưa thậm chí có thể xuất hiện sớm hơn ở một số nơi như Phú Quốc, sau đó mở rộng ra các tỉnh thành khác ở Nam Bộ.
Th.S Lê Thị Xuân Lan nhận định, do mùa mưa bắt đầu cùng với chu kỳ La Nina nên năm nay lượng mưa sẽ khá dồi dào, số cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có thể nhiều hơn trung bình các năm khoảng 2 cơn.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là từ nay đến khi mùa mưa bắt đầu, Nam Bộ bước vào giai đoạn chuyển mùa nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc xoáy, sét, mưa đá… vào chiều và tối; người dân cần hết sức đề phòng để tránh thiệt hại.
Theo các cơ quan khí tượng thủy văn, trong tuần tới, từ ngày 23 - 27/4 trùng với kỳ triều cường giữa tháng 3 âm lịch. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đây là đợt xâm nhập mặn sâu do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít. Người dân ở các địa phương cần lưu ý áp dụng các biện pháp phòng tránh.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết năm 2023, hiện tượng ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương) duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha nóng El Nino.
Dự báo từ tháng 4 đến 6, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Mỗi đợt nắng nóng thường 3-5 ngày, năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng Trung Bộ hơn 7 ngày.
Cao điểm hè sẽ là hai tháng 6-7 ở miền Bắc và từ cuối tháng 6 đến 8 ở miền Trung với khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt (từ 37 đến 39 độ C) và đặc biệt gay gắt (từ 39 độ C trở lên).
Dự báo, Nam Bộ sẽ dứt nắng nóng từ tháng 6, miền Bắc kéo dài đến đầu tháng 8, miền Trung đến cuối tháng 8.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...