Hoang mang vì nâng ngực bị ung thư

Mới đây, thông tin về việc chị em đặt túi nâng ngực có nguy cơ bị ung thư lympho tế bào lớn - một dạng ung thư hệ bạch huyết khiến nhiều người đang mang túi nâng ngực hoang mang lo lắng.

Chị Trần Thu Hà (34 tuổi, trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ chị đặt túi nâng ngực được 6 năm và khi nghe tin về việc có nguy cơ bị ung thư chị rất lo lắng.

Điều đặc biệt, thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội nên mẹ chị đã thuyết phục chị nên tháo túi nâng ngực.

Chị Hà gặp chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ và được tư vấn không cần tháo túi ngực. Tuy nhiên, chị vẫn đứng ngồi không yên. Chị băn khoăn giữa việc tháo túi độn ngực với việc sống chung với nó.

Ảnh minh họa: Internet

Trên diễn đàn dao kéo, nhiều chị em cũng tỏ ra lo lắng về nguy cơ ung thư sau đặt túi ngực. Dù nhiều bác sĩ thẩm mỹ lên tiếng trấn an nhưng nhiều chị em vẫn đứng ngồi không yên.

Thông tin báo chí chia sẻ thời gian qua theo Đài NBC (Mỹ), trên thế giới hiện có gần 700 trường hợp bệnh này và 16 phụ nữ đã chết vì BIA-ALCL. Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã xác định BIA-ALCL là bệnh u lympho tế bào T có thể phát sinh sau phẫu thuật nâng ngực.

BIA-ALCL không phải là ung thư vú mà là một dạng ung thư lympho (nhóm các dạng ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào), là ung thư tế bào hệ miễn dịch.

Khi phát bệnh, tế bào ung thư này thường xuất hiện trong các mô sẹo hoặc dịch ở xung quanh vị trí phẫu thuật nâng ngực. Nhưng trong một số trường hợp, theo FDA, nó có thể chạy khắp cơ thể.

Nâng ngực không liên quan đến ung thư

Trao đổi về vấn đề này TS BS Lê Hồng Quang cho biết ALCL được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bất thường của tế bào lympho T (tế bào T) và biểu hiện mạnh mẽ của một protein, thụ thể cytokine CD30.

ALCL có thể liên quan đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm các hạch bạch huyết và da.

Hiện tại, có hai biến thể chính của ALCL được công nhận trong tài liệu. Một trong số đó thể hiện protein anaplastic lymphoma kinase (ALK dương tính) và một biến thể không (ALK âm tính). Đây là loại ung thư khá hiếm, đã có phác đồ điều trị rõ ràng và hiệu quả.

TS BS Lê Hồng Quang 

Về tính an toàn của túi độn ngực, theo bác sĩ Quang, Liên minh châu Âu đã khẳng định từ năm 2000 và 2009, Hoa Kỳ khẳng định năm 2000 dựa trên các thông tin, các nghiên cứu đương thời.

Các thông tin về tính an toàn vẫn tiếp tục được thu thập và phân tích, nhiều ca lâm sàng riêng lẻ được báo cáo về sự xuất hiện ALCL trên các phụ nữ đặt túi ngực và thấy xuất hiện ở túi nhám nhiều hơn so với túi trơn. Năm 2016, các tổ chức này cho rằng ALCL có thể phát sinh sau khi đặt túi nhưng không khẳng định mối liên hệ nhân quả.

Các công bố của Cơ quan quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) năm 2011 có 34 ca bị ALCL nhưng không có cơ sở khẳng định đặt túi ngực gây ra ALCL.

FDA cũng không khuyến cáo tháo túi nếu không có các biến chứng. Đồng thời nên tiếp tục thu thập thông tin có hệ thống hơn, các khuyến cáo có thể thay đổi theo thời gian.

Đến năm 2018, báo cáo phát hiện và ghi nhận 457 ca ALCL (trong đó có 9 ca tử vong). Tuy nhiên, TS Quang cho biết đến nay FDA cũng khuyến cáo không có cơ sở khẳng định đặt túi ngực gây ra ALCL, không khuyến cáo tháo túi nếu không có các biến chứng.

Những người độn ngực nên đưa ra các hướng dẫn theo dõi đánh giá chuyên sâu, khuyến khích thu thập thông tin có hệ thống.

Chính vì thế, TS Quang trấn an chị em nâng ngực không nên quá lo lắng việc nâng ngực có thể gây ung thư hệ bạch huyết.

Chị em nâng ngực nên thường xuyên đến gặp các bác sĩ có chuyên môn sâu để thăm khám, theo dõi túi ngực, bao xơ cũng như các bệnh khác kèm theo.