Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu xâm nhập

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận những ngày gần đây, lượng người phải nhập viện điều trị tại khoa Nội hô hấp tăng cao, vượt 20% so với những tháng trước hè. Trong số này, có khoảng 20 trường hợp bị viêm phổi nặng, cần theo dõi và điều trị dài ngày. 

Anh Trần Vĩnh Yên (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, bố của anh (65 tuổi) sau khi sốt và ho khoảng 4 ngày thì xuất hiện tình trạng khó thở. Đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ phát hiện ông bị tràn dịch màng phổi - một trong những biến chứng do bị viêm phổi nặng. Trước đó, ông từng bị nhiễm Covid-19. Các xét nghiệm khác phát hiện loại tác nhân gây viêm phổi cho bố anh Yên là vi khuẩn phế cầu.

Người cao tuổi đến khám bệnh hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Ngọc Anh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng tiếp nhận bé gái 1 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM vào cấp cứu do suy hô hấp. Trường hợp này được xác định là viêm phổi nghi do vi khuẩn phế cầu.

BS. Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vi khuẩn phế cầu cư trú ở đường hô hấp trên của con người. Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn phế cầu không gây bệnh. Tuy nhiên, khi cơ thể bị suy yếu sức đề kháng hoặc sau khi bị viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan (viêm đường hô hấp trên), niêm mạc dẫn khí bị tổn thương khiến vi khuẩn phế cầu di chuyển vào phổi, gây nên tình trạng viêm các phế nang phổi. Khi tình trạng viêm phổi không được phát hiện và điều trị kịp thời, vi khuẩn phế cầu có thể xâm nhập vào máu gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não.

ThS.BS. Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM lý giải, mưa kéo dài, xen lẫn những ngày nắng gắt ở cả miền Bắc và miền Nam là điều kiện thuận lợi để các bệnh hô hấp bùng phát. Những tác nhân gây bệnh viêm phổi như virus, vi khuẩn hay nấm dễ dàng phát triển và tồn tại trong cơ thể khi nhiệt độ xuống thấp. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến con người khó thích nghi, suy giảm sức đề kháng khiến những tác nhân này dễ dàng đi vào phổi gây viêm phổi.

Theo phân tích của BS. Lê Phan Kim Thoa, ở trẻ nhỏ, lông chuyển trong đường hô hấp có tác dụng ngăn virus, vi khuẩn chưa thật sự hoạt động tốt sẽ khiến trẻ dễ bị các bệnh hô hấp hơn người lớn.

Bên cạnh trẻ dưới 5 tuổi thì người trên 65 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch do điều trị ung thư, có HIV, ghép tạng, uống thuốc ức chế miễn dịch, người bị bệnh nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… là nhóm nguy cơ rất cao bị vi khuẩn tấn công vào phổi.

Làm sao ngăn ngừa vi khuẩn phế cầu?

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 1 trong 20 người bị viêm phổi do phế cầu sẽ tử vong. Các biến chứng của viêm phổi có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi, tụ mủ trong phổi. Tỷ lệ tử vong này cao hơn khi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn (1 trong 6 người lớn và 1 trong 12 trẻ em tử vong). Những trường hợp sống sót phải gánh chịu di chứng lâu dài như đoạn chi do nhiễm trùng huyết; bị điếc hay chậm phát triển tâm thần do tổn thương não; nhiễm trùng tai; viêm xoang…

Chính vì vậy, CDC đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia nên đưa vắc xin ngừa viêm phổi do phế cầu vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Vắc xin phế cầu nên tiêm càng sớm càng tốt khi trẻ được 6 tuần tuổi - thời điểm trẻ em dễ bị bệnh do chưa kịp phát triển sức đề kháng. 

Tại Việt Nam, có 2 loại vắc xin ngừa phế cầu được lưu hành là Synflorix (Bỉ) chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và Prevenar 13 (Bỉ) chỉ định cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn. 

Ngoài ra, vắc xin cúm thế hệ mới và các vắc xin như 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vắc xin Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.

“Sẽ rất khó để chúng ta sống trong một môi trường hoàn toàn không bị nhiễm khuẩn cũng như không tiếp xúc với người bệnh. Vắc xin chính là phát minh để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc xin ngừa các bệnh hô hấp, mỗi người cần tăng sức đề kháng bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và vận động thể thao”, BS. Chính lưu ý.

Tiêm vắc xin ngừa phế cầu cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Minh Ngọc

Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, một bộ phận người dân chủ quan với các bệnh như viêm mũi họng, viêm amidan vì xem đây là bệnh tự khỏi. Về lý thuyết, viêm đường hô hấp trên ít ảnh hưởng đến chức năng thở nhưng khi không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.