5 nỗi ám ảnh ngày Tết

Những ngày này, các chị em đang thi nhau thủ thỉ với cả “cõi Facebook” về chủ trương ăn Tết của mình.

Sau một năm bận rộn và cày cuốc "bở hai tai" tháng cuối năm, chị em đều bày tỏ mong muốn về một cái Tết Nguyên đán tối giản. Tết không phải là ngày “quốc tế dọn nhà”, cũng càng không phải là lúc để người phụ nữ trổ tài nấu nướng rồi kiêm luôn “máy rửa bát”.

Theo chị Nguyễn Trang (Q. Đống Đa, Hà Nội) từng cả nhà chồng nhìn với “ánh mắt hình viên đạn” khi chị dõng dạc xin phép mẹ chồng: “Cả năm con đi làm vất vả, mệt mỏi. Giờ con chỉ xin được ngủ nướng, còn lại ngày nào con cũng dậy sớm được”. Mẹ chồng chị sửng sốt nhưng nghe con dâu trình bày nguyện vọng quá chính đáng, bà cũng đành đồng ý.

Sang năm thứ hai, tình hình đỡ hơn. Thay vì tất bật về quê từ sớm, chị ở lại Hà Nội đưa con đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Mùng 1 về đón Tết ở nhà ông bà nội. Sáng mùng 2 về nhà ông bà ngoại. Sáng mùng 3 trở lại Hà Nội và tận hưởng kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. 

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Trang đã liệt kê Tết thường có vài "bệnh kinh niên" khiến chị em ám ảnh khủng khiếp. 

Ngày Tết với vô vàn nỗi ám ảnh khiến chị em sợ Tết. Ảnh minh họa.

Bệnh thứ nhất là "Ở sạch". Vì muốn nhà cửa sạch tinh tươm đón năm mới nên tổng động viên vợ chồng con cái lao vào dọn dẹp. Lúc đầu còn hăng máu, cả nhà vui vẻ quét dọn, đăng ảnh "cúng Facebook" ríu rít.

Nhưng sau đó mệt là quát tháo nhau ầm ĩ. Chồng mắng vợ kỹ tính, mẹ mắng con không biết làm gì.... Lời qua tiếng lại dọn nhà ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh. 

"Bệnh kinh niên" thứ hai là "về quê ăn Tết". 

Bao nhiêu cặp vợ chồng cứ Tết đến là tình cảm sứt mẻ. Quê nội, quê ngoại "chạy show" hết mấy ngày Tết. Ưu tiên nội thì thương ngoại. Ưu tiên ngoại thì nội lại không vui. Tóm lại là mất đoàn kết chỉ vì về quê ăn Tết!

Bệnh "mua sắm" cũng là một thứ "bệnh kinh niên" của ngày Tết. 

Dường như bao nhiêu tiền tích cóp được đều mang ra phục vụ "cơn lốc" mua sắm để "ăn Tết to". Giò, gà, lợn, bò, bánh kẹo, mứt đào... ê hề mà ăn đến bữa thứ 2 là phát ớn, không ai dám đụng đũa.

Làm cơm cúng và rửa bát triền miên. Ảnh minh họa.

"Làm cơm cúng" - nỗi ám ảnh kinh hoàng của nàng dâu. 

Khổ nhất dâu nhà nào gia trưởng, ngày đôi lần cúng, mỗi lần cúng đôi mâm. Cúng xong đặt xuống úp lồng bàn bữa sau lại làm cơm cúng mới. Ba ngày Tết vị chi 6 lần làm cơm cúng, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối nấu nướng, quần áo dính đầy dầu mỡ, khỏi biết mùa xuân ở bên ngoài ra sao?

"Chồng nhậu nhẹt" cũng khiến chị em phát ớn trong ngày Tết.

Cứ gặp nhau là nhậu. Anh em xa cả năm mới gặp nhau: nhậu. Quý nhau: nhậu. Làm quen: nhậu. Tết mà: nhậu nốt!

Ơn trời năm nay luật phòng chống tác hại của bia rượu có hiệu lực. Các bà vợ đang vô cùng mong mỏi Tết này sẽ không còn phải chịu đựng cảnh chồng nhậu say liên miên. 

Nên giải phóng bản thân, coi Tết là kỳ nghỉ

Chị Trang cho biết chị ủng hộ chủ trương đón Tết theo cách đơn giản.

Chị bộc bạch: “Tết về, không nên chuẩn bị quá nhiều thứ, làm quá nhiều việc mà thay vào đó, hãy giải phóng bản thân, cởi bỏ gánh nặng cho cả gia đình nữa. Chuyện quà cáp, lễ nghĩa, gói bánh, quấn nem, làm giò, mua đầy bánh kẹo, mứt tết... chỉ nên coi đó là niềm vui và nên bớt bớt lại.

Vì thực ra, thời nay có ai thiếu thốn cái gì đâu, siêu thị chợ búa quán xá mở suốt ngày, bày bán từ mùng 2 Tết. Dịch vụ cung cấp thực phẩm sạch, cỗ Tết ship đến tận nhà đêm 30, trẻ em không cần kẹo bánh, người lớn hạn chế uống bia... việc tích trữ đồ ăn là lãng phí, tốn sức, giảm dinh dưỡng và không cần thiết". 

Suy cho cùng Tết cũng chỉ kéo dài vài ngày. Các gia đình nên áp dụng phương châm Tết tối giản, ít tiền tiêu kiểu ít tiền, giải phóng bản thân để Tết thực sự là một kỳ nghỉ.