Với các gia đình ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… việc trông con, chăm con trong thời gian nghỉ hè luôn là vấn đề gây “đau đầu” với nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là các gia đình không có được sự hỗ trợ của người thân.

Chị Trần Thị Lan Anh, quê gốc Thái Bình, sinh sống tại phường Khương Trung, quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho hay, vợ chồng chị đều ở quê ra Hà Nội lập nghiệp. Chị Lan Anh là kế toán trưởng một công ty, còn chồng làm công ty xây dựng thường xuyên phải đi công tác. Với đặc thù công việc của 2 vợ chồng nên việc đưa đón con gái 4 tuổi đi học luôn là vấn đề khó giải quyết. Ngày thường đã khó, dịp hè khi các trường mầm non đóng cửa việc trông con lại càng nan giải.

 

"Con đang quá bé nhỏ nên không ai muốn để con phải xa vòng tay an toàn của bố mẹ. Vì thế chỉ sau 2 tuần con nghỉ hè, vợ chồng tôi phải luân phiên nghỉ việc ở nhà trông con khiến công việc đảo lộn hoàn toàn, các chỉ số đánh giá công việc tại cơ quan đều không đạt dù vợ chồng tôi phải đưa việc về nhà”, chị Lan Anh cho hay.

Từ khi con gái về quê, chị Lan Anh phải thường xuyên theo dõi, quan sát con qua camera (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Mới chỉ thời gian đầu hè nhưng thấy mọi việc không ổn, chị Lan Anh đành phải gửi con về nhà ông bà và lắp camera để tiện theo dõi con.

"Con còn quá bé, trong khi hiện nay có quá nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập khiến tôi luôn lo lắng. Nhà có nhiều ao hồ, ông bà ngoại lại còn có nhiều công việc nên vợ chồng tôi lại luôn canh cánh nổi lo về sự an toàn cho con.

Vậy nên, từ khi con về quê, ngoài việc thường xuyên gọi điện cho ông bà hỏi thăm tình hình của con, vợ chồng tôi còn phải thường xuyên theo dõi, quan sát con qua camera khiến công việc rất mất tập trung”, chị Lan Anh cho hay.

Chung hoàn cảnh với chị Lan Anh, chị Hoàng Tú Oanh, có con vừa học hết lớp 6 sinh sống tại Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, quê chồng chị ở Hà Nam trong khi chị quê Nghệ An. Ông bà nội ngoại còn khỏe mạnh và có thể trông con dịp hè.

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp con nghỉ hè là vợ chồng lại đôi lần cãi nhau. Chồng thì mãi công việc lại hay đùn việc chăm con cho vợ nên từ cho con ăn, đặc biệt là kèm cặp con học đều do 1 tay chị Oanh đảm nhận.

 

Chị Oanh kể: "Tôi muốn cho con về quê ngoại, có bà nội làm giáo viên để ngoài việc chơi, trong thời gian nghỉ hè con vẫn đảm bảo được việc học nhưng chồng lại không đồng ý vì muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè cho con được nghỉ ngơi, và để con sống đúng với tuổi thơ của mình vì xã hội hiện nay con đã quá áp lực với việc học hành.

Chồng tôi lại muốn cho con về quê nội một thời gian rồi về ngoại, nhưng tôi không đồng ý vì ông bà còn lo việc đồng áng. Năm trước, nghỉ hè con chỉ về 1 tháng nhưng con mãi chơi cùng đám bạn cùng trang lứa trong xóm, quên luôn việc học tập nên bao nhiêu kiến thức tôi kèm cặp và học trên lớp đều quên sạch. Khi trở lại Hà Nội tôi lại phải rất vất vả và mất thời gian rất dài để ôn lại, củng cố lại những kiến thức cho con trước khi bước vào năm học mới".

Chưa hết, chị Oanh còn cho hay, sau chuyến nghỉ hè dài ngày chị để ý thấy con văng tục nhiều hơn khiến chị không khỏi lo lắng.

Trẻ con thành phố khi nghỉ hè hầu hết đều "cắm đầu" vào tivi, điện thoại (Ảnh minh họa/Tiền Phong)

Câu chuyện của chị Lan Anh, chị Oanh đang dần trở thành vấn đề chung của nhiều gia đình thành phố khiến cho thời gian hè tưởng là khi cha mẹ, con cái được nghỉ ngơi, thư giãn sau năm học dài nhưng nhiều khi đang trở thành vấn đề gây căng thăng trong các gia đình.

Trẻ em thành phố vì thế đang mất dần tuổi thơ đúng nghĩa khi thời gian hè bố mẹ vì bận rộn công việc không thể hàng ngày sát cánh bên con. Có chăng chỉ là việc đứa lớn trông đứa bé và rồi cả hai cùng vùi đầu vào tivi, điện thoại.

Để yên tâm hơn nhiều bố mẹ chọn giải pháp gửi con vào các lớp học khiến trẻ lại phải căng đầu ra với những bài học.

Giải pháp cho trẻ về quê không phải gia đình nào cũng có thể làm, chưa kể trẻ phố về quê phải đối mặt nhiều nguy hiểm khiến nhiều phụ huynh không thật sự yên tâm. Cứ vậy mùa hè với trẻ chưa bao giờ thực sự trọn vẹn.