Theo Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào ngày 31/7, trung tâm đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 31 tuổi, người dân tộc Thái ở Điện Biên nhập viện trong tình trạng tràn dịch/tràn khí màng phổi. Sau khi làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi), theo Phụ Nữ Việt Nam. 

Qua khai thác bệnh sử, trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Tuy nhiên, sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho.  

Dù đã đi khám nhưng thanh niên này vẫn không tìm ra được bệnh. 

Bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam) 

Sau kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (Sán lá phổi). Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy sán và chỉ sau vài ngày nằm viện bệnh nhân đã được xuất viện.

Được biết, Sán lá phổi là bệnh do ký sinh trùng Paragonimus westermani gây ra có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… là những địa phương có tập quán ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín).

Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống, sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng. Sau đó xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi. Sán lá phổi trưởng thành sẽ đẻ trứng và trứng theo đờm ra ngoài hoặc người nuốt đờm trứng sẽ xuống đường tiêu hóa để ra ngoài theo phân. Trứng rơi xuống nước, sau đó trứng nở thành ấu trùng lông, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ốc rồi ký sinh ở cua và tôm. Một thời gian sau, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, ho kéo dài, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người dân ở vùng núi, nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, nhất là gỏi tôm, gỏi cua…