Ở tuổi 17, là một nam sinh cuối cấp trung học phổ thông, Lý Dương (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc) gần như không phải làm bất cứ việc gì ngoài việc học. Mẹ của cậu là bà Trương làm nội trợ toàn thời gian, luôn quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ của hai con. Đặc biệt, đối với Lý Dương là anh lớn, biết con đang trong giai đoạn quan trọng nên bà càng cố gắng bồi bổ hơn để cậu tập trung học hành. 

Lý Dương có thân hình to lớn, chưa đến mức gọi là béo phì nhưng cũng thừa cân. Mặc dù không ít người quen khuyên rằng bà Trương nên điều chỉnh chế độ ăn uống, bắt con tập thể dục để giảm cân, nhưng bà luôn nói rằng mập mạp một chút mới khỏe mạnh. Hơn nữa, bà cho rằng ăn uống đầy đủ, thân hình to lớn mới có sức học tập, dù có giảm cân thì cũng phải chờ sau khi Lý Dương vào được trường đại học mơ ước thực hiện cũng chưa muộn. 

Thế nhưng, khoảng 3 tuần gần đây, Lý Dương thường xuyên cảm thấy trong người mệt mỏi, da mặt sạm đi, hay buồn nôn. Bà Trương thấy vậy liền cho rằng con học hành lao lực, càng gắng sức bồi bổ thêm. Từ một bát canh gà mỗi ngày, bà tăng khẩu phần ăn của Lý Dương lên 3 bát. Mua thêm rất nhiều loại vitamin, thực phẩm chức năng. Hễ cậu con trai thèm ăn món gì là bà đều mua hết, chỉ mong con không bị đổ bệnh mà gián đoạn việc học hành trong giai đoạn quan trọng. 

Vì muốn con tập trung học hành, mẹ Lý Dương bồi bổ quá mức và để con ăn bất cứ thứ gì cậu muốn (Ảnh minh họa)

Về phần Lý Dương, thấy mẹ chiều chuộng mình hơn cậu càng thoải mái đưa ra những yêu sách về ăn uống. Nhưng ăn nhiều mà vẫn cảm thấy không khỏe lên, thậm chí còn hay đau bụng và bất ngờ đi ngoài ra phân màu trắng. Khi Lý Dương kể với mẹ, bà Trương tái xanh cả mặt vì cho rằng con bị mắc bệnh ung thư. 

Ngay sáng hôm sau, hai vợ chồng bà Trương vội vã đưa con trai tới Bệnh viện số 6 Vũ Hán (Bệnh viện liên kết Đại học Giang Hán, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). Sau một loạt kiểm tra, bác sĩ kết luận Lý Dương bị gan nhiễm mỡ nặng, men gan cao. mắc bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao và tiền tiểu đường. Bà Trương ôm chầm lấy con trai khóc nức nở. 

Bác sĩ “vạch trần” thói quen gây bệnh và dấu hiệu của gan nhiễm mỡ 

Lúc đầu, Lý Dương tưởng rằng mẹ khóc vì mừng. Bởi lúc đầu thấy cậu đi vệ sinh ra phân trắng, đau bụng lại ăn nhiều vẫn mệt thì đều tưởng rằng cậu mắc bệnh ung thư, nhưng kết quả thì không phải vậy. Nhưng sự thật là bà Trương khóc vì hối hận, khi biết rằng chính sự bồi bổ quá mức, nuông chiều con vô độ của mình đã khiến cậu mắc cả tá bệnh ở tuổi 17.

Tiến sĩ Trần Lan, Trưởng khoa Tiêu hóa số 2 của bệnh viện cho biết: “Điều tra bệnh sử kết hợp với phân tích bệnh trạng xác định lối sống không lành mạnh chính là nguyên nhân gây một loạt bệnh cho nam sinh. Trong đó, nặng nhất là gan nhiễm mỡ giai đoạn 2 và transaminase gan tăng cao - thường gọi là men gan cao. Còn trong số những thói xấu từ lối sống dẫn đến bệnh tật thì chiếm tỷ trọng cao nhất là ăn uống mất cân bằng và hay thức khuya”. 

Theo lời bà Trương, từ nhỏ Lý Dương đã rất dễ nuôi, có “tâm hồn ăn uống” nên ăn gì cũng ngon miệng. Lớn lên một chút, bà lui về nội trợ và thường xuyên nấu các món tẩm bổ cho các con. Trong mỗi kỳ thi hay giai đoạn học hành vất vả, phải thức khuya học bài, bà sẽ hầm canh gà cho con uống. Lý Dương học hành cũng rất xuất sắc, luôn đứng trong top 5 của trường nhưng hễ cứ không được ăn ngon, ăn theo ý mình là cậu sẽ không tập trung học được. 

Những món như gà rán, bánh ngọt, khoai tây chiên… luôn được bà Trương tự tay chuẩn bị và để sẵn trong nhà. Bởi vì thức khuya ôn bài nên Lý Dương cũng thường xuyên uống nước ngọt và cà phê để tránh buồn ngủ, bớt mệt mỏi. Bữa ăn hàng ngày của cậu cũng luôn có nhiều thịt, nhất là thịt đỏ. Bởi bà Trương cho rằng phải đủ protein chất lượng cao não bộ mới hoạt động, thịt đỏ nạc nên sẽ không gây béo. 

Lý Dương không chỉ bị gan nhiễm mỡ, men gan cao mà còn mỡ máu, cao huyết áp, tiền tiểu đường (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Đặc biệt, đến khi Lý Dương nói rằng hay mệt mỏi, da sạm đi vì gan nhiễm mỡ, bà lại cho rằng con cần bồi bổ thêm và tăng lượng đồ ăn hàng ngày. Bà còn mua thêm nhiều vitamin, thực phẩm chức năng, nhân sâm uống liền… cho con dùng mà không biết chính mình đang “tiếp tay” cho rất nhiều bệnh tật. 

Tiến sĩ Trần nói thêm rằng, thực chất các dấu hiệu gan nhiễm mỡ ở Lý Dương đã xuất hiện từ lâu nhưng lại bị bỏ qua. Vì vậy, bà mong rằng thông qua trường hợp của Lý Dương, tất cả mọi người hãy học cách bồi bổ cơ thể vừa phải và có kiến thức. Ngoài ra, cần chú ý tới các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh gan nhiễm mỡ sau đây: 

- Nước tiểu vàng hoặc sẫm màu, phân trắng. 

- Bụng to, gan to.

- Trướng bụng, đau bụng, ăn nhanh no.

- Buồn nôn, nôn mửa.

 

- Chán ăn, sụt cân.

- Vàng da/sạm da, vàng mắt.

- Ngứa ngáy, mày đay, hay dị ứng. 

- Mệt mỏi kéo dài không rõ lý do. 

- Phù nề chân tay, lòng bàn tay mẩn đỏ.

- Ngứa da.

Bà cảnh báo: “Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng chất béo tích tụ trong gan cao hơn bình thường (> 5% trọng lượng gan). Ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó phát hiện và cũng không gây hại. Tuy nhiên nếu tình trạng gan nhiễm mỡ không được theo dõi, điều chỉnh kịp thời lâu dài sẽ làm suy giảm chức năng gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan hay thậm chí ung thư gan nguy hiểm tính mạng”. 

Tiến sĩ Trần Lan cũng nhắc nhở 7 thói quen xấu hàng đầu dẫn tới gan nhiễm mỡ bao gồm: 

- Uống nhiều rượu bia. 

- Tiêu thụ quá nhiều chất béo.

- Ăn uống quá độ hoặc giảm cân quá mức.

- Ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.

- Thức khuya lâu ngày.

- Lười vận động, thừa cân/béo phì. 

- Tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt, nước ngọt có ga.

Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc hay thực phẩm chức năng, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể làm tăng men gan hay gây gan nhiễm mỡ, viêm gan. 

Nguồn và ảnh: Sohu, Health 2.0, ETtoday