Mỹ phẩm Thanh Dược quảng cáo như thuốc điều trị gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
Trên nhiều diễn đàn, các website và trang mạng xã hội, sản phẩm serum Thảo Mộc của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thanh Dược (khu dân cư Him Lam, quận 7, TP.HCM) được quảng cáo là thuốc.
Trên website myphamthanhduoc.com ghi: “Serum trị mụn Thanh Dược là 1 loại thuốc đông y bôi ngoài da, chiết xuất 100% thảo dược thiên nhiên. Đẩy lùi 100% mụn dưới da, cân bằng da dầu, se khít lỗ chân lông, làm mờ sẹo rỗ, làm đầy sẹo lõm do mụn để lại, đánh tan vết nám mỹ phẩm…”
Thử thực hiện thao tác tìm kiếm đơn giản “mỹ phẩm Thanh Dược” trên trang Google, sẽ cho kết quả lên đến 334 triệu. Nội dung của các trang web đều thông tin: “Mỹ phẩm Thanh Dược là thuốc Đông y bôi ngoài da, chiết xuất 100% thảo dược thiên nhiên. Đẩy lùi 100% mụn dưới da, cân bằng da dầu, se khít lỗ chân lông...”.
Trên các website bán hàng khác như sendo, shopee đều ghi nhận sản phẩm này là thuốc Đông y với thông tin tương tự.
Phóng viên gọi điện vào số điện thoại công ty thì được người tư vấn tên Nguyễn Thanh cho biết: “Thanh Dược phù hợp với mọi làn da. Đây là dược phẩm, điều trị tất cả các vấn đề về da từ nám, lỗ chân lông to, da nhiễm chất độc do mỹ phẩm, tàn nhang, mụn, mụn ẩn, thâm”.
Theo lời người tư vấn, khách hàng có thể gửi ảnh hoặc quay video tình trạng da mụn để được tư vấn liệu trình và sử dụng sản phẩm.
Khi phóng viên thắc mắc dòng sản phẩm này là mỹ phẩm hay dược phẩm, nhân viên tư vấn khẳng định là thuốc.
Công ty TNHH Mỹ phẩm Thanh Dược công khai phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trên trang fanpage và các website bán hàng.
Dù công ty này đăng thông tin quảng cáo serum Thảo Mộc là thuốc trị mụn, nhưng giấy tờ liên quan xác thực lại là phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Nội dung phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 002180/18/CBMP-HCM ngày 15/05/2018 ghi rõ tên sản phẩm là serum Thảo Mộc, dạng sản phẩm là kem, nhũ tương, sữa, gel hoặc dầu dùng trên da (tay, mặt, chân…).
Hành vi “lập lờ đánh lận con đen” của doanh nghiệp này có thể khiến người tiêu dùng nhầm hiểu serum Thảo Mộc là thuốc, không phải là mỹ phẩm.
Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt, nội dung quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 về quản lý mỹ phẩm.
Trong khi đó, khoản 2 điều 2 Luật Dược hiện hành quy định rõ: Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.
Có thể thấy, hành vi quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm là thuốc Đông y của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thanh Dược đã vi phạm quy định Luật Quảng cáo.
Cụ thể, điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ quảng cáo mỹ phẩm phải bao gồm các nội dung: Tên mỹ phẩm; tính năng; công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế. Đặc biệt, là không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...