Hiện nay, các bệnh ung thư ngày một phổ biến khi mà cuộc sống của con người thay đổi, môi trường sống ngày càng tiềm ẩn nhiều tác nhân gây bệnh. Đặc biệt ở phái nữ, ung thư cổ tử cung xuất hiện nhiều nhất. Tuy căn bệnh này không hề mới nhưng nguy cơ tử vong mà nó gây ra lại đứng hàng đầu với chị em.

Ngày 18/3, Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội thảo "Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực cộng đồng". Trong hội thảo, những chia sẻ về ung thư cổ tử cung, đặc biệt là về tình trạng bệnh tại Việt Nam được các bác sĩ đề cập nhiều.


Thống kê từ WHO – tổ chức Y tế Thế giới cho hay, trên thế giới mỗi năm có hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, số ca tử vong rơi vào khoảng 250.000 ca. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 14 ca mắc mới, khoảng ½ số này tức là 7 ca rơi vào tử vong. Con số này hiện cực kỳ đáng báo động ở cả thế giới và Việt Nam.

Viện trưởng Pasteur TP HCM, PGS Phan Trọng Lân cho biết, hậu quả của ung thư cổ tử cung là rất nghiêm trọng, nó có thể dẫn tới suy giảm sức khỏe, vô sinh, ảnh hưởng tâm lý, từ đó ảnh hưởng sang đến các vấn đề như tài chính hay quan hệ gia đình...

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác khiến cho nhiều người chủ quan. Trong khi đó bệnh lại có thời gian kéo dài và âm thầm diễn ra từ 5 đến 20 năm. Rất nhiều bệnh nhân khi phát hiện bệnh là quá muộn, phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, khả năng làm mẹ không còn. Phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong rất cao.

Virus HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân này chiếm đến 99,7%, 70% là do chủng virus 16 và 18. Độ tuổi dễ nhiễm nhất là 20 – 30 tuổi, khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm ít nhất 1 lần trong đời.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này. Do đó việc phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất là tiềm vaccine. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng loại vaccine này vào năm 2008. 2 vaccine thường hiện đang được chấp thuận cho việc sử dụng ở nhiều quốc gia là Gardasil và Cervarix. Trong đó Gardasil ngoài phòng tránh ung thư cổ tử cung thì còn có khả năng phòng ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn.

Vaccine được khuyến cáo sử dụng cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi (phụ thuộc vào loại vắc-xin cụ thể được sử dụng), tốt nhất là trước lần quan hệ tình dục đầu tiên, ở những phụ nữ chưa bị phơi nhiễm với các type HPV được bao phủ bởi vaccine (HPV type 6, 11, 16, 18). Những người đã có hoạt động tình dục có thể vẫn có lợi ích từ việc tiêm vaccine nếu họ chưa bị nhiễm các type HPV được bao phủ trong vaccine. Hãy xin tư vấn từ bác sĩ để xác định xem có phù hợp với việc tiêm vaccine hay không.

Vậy nên, việc mà các bạn nữ dưới 26 tuổi cần làm ngay để phòng tránh ung thư cổ tử cung là đi tiêm vaccine ngừa virus HPV càng sớm càng tốt.