Trung tâm nghiên cứu sự phát triển của trẻ nhỏ thuộc Đại học Harvard (Mỹ) từng báo cáo 1 mô hình hoạt động năng lực cốt lõi của con người. Theo đó, 3 năng lực cốt lõi gồm: Khả năng tổ chức, khả năng tập trung và khả năng điều chỉnh cảm xúc.

Để mô hình này hoạt động tốt và đúng cần một "cổng van" gọi là kỹ năng biết để ý, biết ý thức về điều mình làm. "Cổng van" này có thể được dạy càng sớm càng tốt, để trẻ luôn mở tâm, để luôn có ý thức điều mình làm.

Dạy con nên người cũng đòi hỏi cha mẹ trang bị kỹ năng và kiến thức nhất định - Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết các lỗi sai là do chúng ta không mở tâm để biết điều mình làm, liệu nó đúng chưa, liệu nó có ảnh hưởng đến người khác. Khi trẻ có kỹ năng mở tâm thì trẻ sẽ chọn đúng, ít nhất là luôn đúng với điều trẻ muốn.

Hoạt động của mô hình để dạy trẻ 

Khi đáp ứng với một tác động, dù tích cực hay tiêu cực cũng sẽ kích hoạt mô hình này thông qua 2 con đường cùng 1 lúc, đó là con đường tự động đáp ứng vô thức và con đường tự động đáp ứng có ý thức.

Con người cần cả hai để có năng lực tổ chức, tập trung và điều chỉnh. Con đường vô thức đơn giản là đáp ứng nó theo cách tự nhiên của cảm xúc.

Ví dụ: Sợ thì thu mình, bị chống thì đánh trả, bị hùa thì né tránh hoặc bị phản bác thì xù lông bảo vệ. Ai cũng có cách đáp ứng này. Đây là điều không hại nhưng phải dùng đúng.

Con đường thứ hai là giúp cân bằng, giúp bạn đáp ứng đúng và có ý thức.

Năng lực tổ chức, tập trung và điều chỉnh là những tiêu chí cha mẹ nên dạy trẻ để sớm nên người - Ảnh minh họa: Internet

Ví dụ: Sợ thì thu mình, nhưng có phải lúc nào cũng thu mình, thu mình hèn yếu hay tạm thời rèn luyện để trở nên mạnh hơn, cách gì làm ta mạnh hơn. Đó là hàng loạt hoạt động có ý thức. Như đề cập đầu bài, hàng loạt hoạt động ý thức này sẽ diễn ra khi tâm của bạn mở đủ lớn để bắt đầu suy nghĩ có ý thức.

"Cái van" mà được đề cập đầu bài là quan trọng ở chỗ này. Thiếu van này hoặc bạn không rèn luyện nó mở rộng, thì chúng ta thường thiếu năng lực trong mọi hoạt động, vì sử dụng chủ yếu con đường vô thức.

"Cái van" là gì?

Để đơn giản, bạn có thể suy nghĩ như vậy: Cái van chỉ là một bước cần có để kích thích não bạn bắt đầu dùng các chức năng não bộ để suy nghĩ, để đánh giá và để thông cảm.

Nhiều người nói: "Được rồi, tôi cho phép anh nói phản biện, nhưng trong đầu sẽ nghĩ: để hắn nói cái gì, phản bác cái đó là hắn câm luôn". Cái van sẽ giúp bạn mở tâm như sau: "Tôi là người chịu lắng nghe và học hỏi, tôi biết anh ấy bực nhọc sáng nay vì con anh ấy bị bệnh và tâm trạng chưa tốt, lời nói được dẫn bởi cảm xúc, nhưng lời anh ấy nói tôi cần lắng nghe." Mở tâm là nhìn cách mà ai đó đang nhìn, đau như cách mà họ đang đau thì bạn sẽ làm chủ được tình huống và giải quyết tốt vấn đề.

Hãy kích thích não bộ trẻ suy nghĩ và đưa ra hành vi ứng xử phù hợp - Ảnh minh họa: Internet

Làm cha mẹ cũng cần cái van mở tâm. Khi phàn nàn một hành vi của trẻ, hãy nhìn, hiểu và cảm sự khó chịu mà trẻ đang chịu trước khi quyết định, trước khi mắng chửi. Người Anh có câu ngạn ngữ nói về cái van mở tâm này là bạn nên "Put yourself in their shoes" (Tạm dịch: Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu) trước khi đáp ứng lại họ. Tầm nhìn khi đó sẽ rộng hơn và sâu sắc hơn.

3 điều cần thiết giúp trẻ "mở van"

Trẻ càng nhỏ càng dễ mở tâm. Nói cách khác, trẻ được dạy cách mở tâm khi phản ứng với ai đó hoặc điều gì sẽ giúp trẻ thành công.

Hãy dạy trẻ sự kiên nhẫn

Kiên nhẫn là 1 phần của rèn luyện trở nên có ý thức và trở nên dễ dàng mở tâm.

Trẻ dưới 5 tuổi không hiểu bạn nói phải kiên nhẫn đợi mẹ, phải đợi bạn trước, phải kiên nhẫn chứ... Trẻ cần được dạy bằng ví dụ và được cho am hiểu về luật chơi.

Đây là 1 số cách dạy trẻ nên người với đức tính kiên nhẫn:

Đi siêu thị cha mẹ nên vui vẻ xếp hàng, chạy xe bạn nên vui vẻ dừng đèn đỏ dù đang bận, đi lên thang máy bậc thang đứng nép qua bên phải để ai đó cần gấp để đi lên. Khi xếp hàng mua đồ, bạn vui vẻ nhường trẻ khác nếu bạn cho là nên làm. Khi vui vẻ làm điều này hãy cho trẻ biết "tất cả chúng ta đều phải xếp hàng đến lượt".

Dạy con kiên nhẫn hôm nay để thành công mai sau - Ảnh minh họa: Internet

Khi chơi với trẻ, hãy cho trẻ biết luật chơi. Ví dụ: Chơi ném bóng, mẹ ném trước con ném sau, khi bóng rơi, lượt ai nấy lấy, không nên lấy thay bé. Nếu không lấy trò chơi sẽ kết thúc.

Hãy dạy trẻ sự vừa đủ

Hiểu về vừa đủ là một phần rèn luyện bản thân ý thức về không để dư thừa.

Nếu chúng ta không biết vừa đủ, chúng ta chỉ để lòng tham và ích kỉ xâm chiếm. Trẻ con dưới 8 tuổi không hiểu khái niệm vừa đủ hay lòng tham hay ích kỉ là gì. Đừng vội gắn khái niệm đó cho trẻ, chỉ cần dạy trẻ 1 điều này là đủ: "Khi con được ai cho cái gì, chỉ nhận đủ phần con cần hoặc phần con có thể ăn hết và cảm ơn họ".

Bạn cũng nên trở thành một hình mẫu vừa đủ cho trẻ hiểu. Ví dụ: Khi đi ăn tiệc buffet, chỉ lấy đủ phần mình ăn hết và hãy chỉ trẻ làm như vậy. Nếu bạn thích ăn nhiều món, thì lấy mỗi món 1 ít để đảm bảo khi bạn bước ra, thức ăn trên dĩa bạn không còn dư.

Hãy dạy trẻ hăng hái tham gia

Hăng hái tham gia, không sợ khó, không sợ sai là 1 phần quan trọng trong hành trình giúp trẻ có ý thức hơn về bản thân, giúp cha mẹ dạy con nên người

Có trải nghiệm là có 50% thành công, không chịu trải nghiệm là 100% thất bại.

Suy nghĩ của trẻ nên được dạy là người biết chấp nhận trải nghiệm, dù thất bại hay thành công, con đều là người chiến thắng vì con đã có bài học để nhớ của riêng con.

Đây là một số cách bạn dạy trẻ "là chính mình, hãy thoát khỏi vị trí đang có, đi trải nghiệm".

Cha mẹ đừng quên dạy con tích cực tham gia những hoạt động đa dạng xung quanh - Ảnh minh họa: Internet

Luôn ủng hộ và tư vấn trẻ nên xung phong làm lớp trưởng, làm tổ trưởng hoặc hãy làm một công việc thêm vào vị trí hiện tại của con. Không phải là địa vị hay được các bạn ngưỡng mộ, hãy cho trẻ biết trách nhiệm và công việc của người dẫn đầu, để trẻ hiểu và quyết định trải nghiệm.

Trong các hoạt động, cha mẹ hãy luôn cho trẻ cho ý kiến để cùng xây dựng và tôn trọng ý kiến phản biện của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ cho ý kiến trong lớp, trong nhóm bạn.

Hãy cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi đồng đội và khuyến khích trẻ hiểu sức mạnh của sự đóng góp và xây dựng.

Hiểu và thực hành những điều này, cha mẹ sẽ biết cách dạy trẻ nên người