Nếu như trước Tết, giá thực phẩm "dễ chịu" bao nhiêu thì sau Tết, giá thực phẩm lại khiến bà nội trợ chóng mặt. 

Chia sẻ với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị Nguyễn Thị Lý (Q. Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sáng mùng 3 Tết, chị đã "sốc" khi ra chợ mua thực phẩm làm cơm hóa vàng.

Chợ sau Tết mới lác đác người bán. Ảnh: Thu Hà

Giá thực phẩm tăng phi mã, ngay cả rau mùi cũng đội giá lên 8000 đồng/ bó nhỏ, rau xà lách 9000 đồng/ cây. Ngoài ra, cá cũng tăng lên 90 - 120.000 đồng/ kg và oái oăm là chỉ có cá to từ 4 - 6kg/ con, không có cá nhỏ và không bán theo miếng. Rau cần lên giá 40.000 đồng/ kg. 

"Người bán giải thích do sau Tết chưa có nguồn nhập nên rau khan hiếm, nhập giá đắt nên phải bán đắt lên chứ không phải họ tự ý tăng giá. Tính ra mất cả triệu bạc để mua thực phẩm, trong đó đắt nhất là rổ rau sống giá 200.000 đồng, đắt gấp 5 lần bình thường. Đắt cũng phải mua vì ai cũng muốn ăn rau giải ngấy", chị Lý nói.

Rổ rau sống trị giá 200.000 đồng vào sáng mùng 4 Tết. Ảnh: Thu Hà

Giá rau xanh đắt đỏ sau Tết. Ảnh: Thu Hà

Bên cạnh thực phẩm sống, giá đồ ăn chín cũng tăng "chóng mặt". Chị Thu Thủy, một dân công sở tại Hà Nội cho hay, sáng mùng 2 Tết đi lễ chùa, chị đã bấm bụng chi 70.000 đồng mua bát bún ốc, trong khi giá ngày thường chỉ 25.000 đồng/ bát. 

Bún ốc "giải ngấy" giá dao động từ 40 - 80.000 đồng/ bát cũng trở thành món ăn được dân Hà thành săn lùng trong những ngày này. Dù giá đắt đỏ nhưng mọi người vẫn chi tiền mua vì đã quá chán ngán bánh chưng, thịt thà. 

Bún ốc đắt hàng tơi tới sau Tết. Ảnh: Thu Hà

Hiện giá bún ốc dao động từ 40 - 70.000 đồng/ bát. Ảnh: Thu Hà

Dù đắt nhưng người dân vẫn chi tiền mua vì quá chán ngán bánh chưng và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Ảnh: Thu Hà