Hiện nay, nhiều trang Fanpage có giới thiệu và chào bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả các thuốc không kê đơn như thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị, thậm chí cả thuốc điều trị ung thư. Chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán dễ dàng đến vậy.

Không ít người tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây hại sức khỏe.

Chị Vũ Ngọc Minh từng điều trị trứng cá tại cơ sở y tế hơn một năm. Sau đó, Minh được bạn bè giới thiệu mua thuốc uống và thuốc bôi trên một tài khoản Facebook. Tài khoản này quảng cáo có bán thuốc đặc trị trứng cá, đảm bảo điều trị dứt điểm sau 1 tháng, nếu không hiệu quả sẽ hoàn lại tiền.

Thế nhưng, sau hơn 1 tháng sử dụng, tình trạng da của Minh không cải thiện, thậm chí mặt lên nhiều mụn mủ, mụn bọc hơn và đã quay trở lại cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

“Thuốc này em được bạn giới thiệu. Bạn em dùng đã đỡ mụn nên em mới mua. Nhưng sau khi em dùng thì không thấy đỡ, thậm chí còn nổi nhiều mụn bọc, mụn mủ hơn. Do đó em đã dừng thuốc”, chị Minh chia sẻ.

Những trường hợp như chị Minh không phải là hiếm gặp. Cuối tháng 11, anh D.T.H (Yên Nghĩa, Hà Đông), 48 tuổi, phải nhập viện vì da nổi đỏ tróc vảy lan rộng. Bệnh nhân cho biết bản thân bị vảy nến nhiều năm nhưng khám và điều trị không liên tục.

Đầu năm nay Anh H có lên mạng xã hội và biết thông tin về một người tự giới thiệu chuyên điều trị bệnh vảy nến nên đã liên hệ qua trang Facebook để đặt lịch khám và điều trị. Anh H được người này cho thoa thuốc và uống thuốc không rõ loại liên tục. Thời gian đầu, vảy nến có giảm nhưng không nhiều.

Tiếp tục sử dụng thuốc thêm một thời gian, anh H thấy da mỏng hơn, mặt và bụng cũng phù lớn hơn. Khi ngưng uống và thoa thuốc thì da đỏ và tróc vảy nặng lên dần và lan ra toàn thân nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị.

Đỏ da toàn thân vảy nến là tình trạng vảy nến nặng nề nhất thường do bệnh nhân không điều trị gì hay điều trị không đúng cách khiến cho tổn thương vảy nến lan rộng dần thành đỏ da toàn thân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… từ đó có thể dẫn đến tử vong.

“Việc mua thuốc trên mạng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người sử dụng”, Bác sỹ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị nhận định.

Nhiều trường hợp sau khi mua thuốc trên mạng về uống và bị biến chứng phải đi cấp cứu.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra với thuốc online như: chất lượng thuốc ra sao, liệu đấy có phải là thuốc chính hãng, thuốc được kiểm nghiệm, được các hãng dược phẩm đưa ra thị trường một cách chính thức hay không? Ngoài ra thuốc có được sử dụng đúng theo chỉ định để chữa bệnh hay không?

Một số trang Fanpage thậm chí còn quảng cáo là bán các loại thuốc nổi tiếng của của các bệnh viện lớn, thậm chí đăng tải hình ảnh bác sỹ.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả danh thuốc bệnh viện bán trên các trang mạng xã hội. Nhiều bác sĩ có uy tín cũng cho biết họ bị lợi dụng, cắt ghép hình ảnh để đăng lên mạng xã hội quảng cáo với mục đích bán thuốc.

Việc lấy danh nghĩa bác sỹ, bệnh viện để quảng cáo trên mạng xã hội không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình, mà nhiều khi còn làm người bệnh còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm.

Hiện nay các loại thuốc, thực phẩm chức năng cũng bị làm giả rất nhiều và rất tinh vi. Các sản phẩm được bán online hiện nay thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó khi mua qua mạng, người tiêu dùng không thể biết chắc sản phẩm đó là hàng thật hay hàng giả chưa kể đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân tiền mất tật mang, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống do không được chữa bệnh đúng cách và kịp thời khi tin vào các quảng cáo trên mạng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng, người dân cần hết sức cảnh giác với những quảng cáo rầm rộ về thuốc đặc trị, cam kết chữa khỏi những bệnh trên, đồng thời cần nhận biết quảng cáo mang những nội dung trái với quy định. Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được nhà nước cấp phép.

Khi bị bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, cho nên quy định về việc bán lẻ thuốc được quy định rất chặt chẽ. Không phải ai cũng có thể bán thuốc.

Điều 32, 33, Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt. Cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm bốn hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Ngoài ra, nhà thuốc tư nhân phải có địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.

Đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện theo Điều 69 luật này phải tuân thủ quy định về địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự.

Luật cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược và có hai năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp…

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, có hiệu quả, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người sử dụng không mua các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng theo sự kê đơn của thầy thuốc. Không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), không có cửa hàng cụ thể.