“Mùa thu này Anh về thăm Mường Lát”
Nhà thơ, nhà báo Phạm Phú Thang kể, cách đây gần 13 năm, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm huyện Mường Lát, huyện biên giới xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, ông đã vượt hơn 250 km từ thành phố Thanh Hóa đến tận nơi. Vốn là nhà báo từng công tác tại Báo Văn nghệ, ông Thang ban đầu dự định viết một bài ký nhưng cuối cùng khi kết thúc chuyến đi, ông lại xúc cảm viết nên những vần thơ.
Bài thơ gồm 4 khổ, được viết theo thể tự do, câu chữ mộc mạc, giản dị. Nhà thơ chia sẻ, ông viết hoàn toàn bằng cảm xúc, ngôn ngữ nhẹ nhàng, gần gũi như những lời căn dặn, trò chuyện ân cần của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng với người dân ở những bản làng xa xôi tận Mường Chanh, Quang Chiểu.
Bài thơ sau đó được đăng báo, ông Thang đồng thời gửi tờ báo có đăng bài thơ của mình đến Văn phòng Trung ương Đảng thông qua vị trợ lý của Tổng Bí thư. Thời gian sau, vị trợ lý cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài thơ và chuyển lời cảm ơn đến tác giả.
Sau khi bài thơ đăng báo, nhiều người đã thắc mắc, tại sao tác giả lại gọi vị lãnh đạo cao nhất của Đảng là “anh”, cho dù chữ “Anh” đã được viết hoa? Đến khi phổ nhạc cho bài thơ thành ca khúc, tác giả thơ Phạm Phú Thang vẫn giữ nguyên cách xưng hô như vậy. Tuy nhiên, một thính giả thân thiết khi nghe ca khúc đã góp ý nên thay đổi cách xưng hô từ “anh” sang “bác” để thanh thiếu niên cũng có thể hát được. Thấy có lý nên cả tác giả thơ và nhạc đều thống nhất điều chỉnh.
Nhà thơ cho hay, khi bài hát được chuyển tới Tổng Bí thư, ông đã thắc mắc tại sao khi làm thơ thì xưng anh mà khi thành bài hát lại xưng: bác? Ông Thang giải thích đúng như ý kiến góp ý của thính giả, tức là để thuận tiện cho các cháu thanh thiếu niên hát khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc.
“Tôi hiểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất mực khiêm nhường, giản dị. Mình xưng bác, trong khi mình hơn tuổi ông sẽ khiến ông băn khoăn”, ông Thang giãy bày.
Năm 2019, khi NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành cuốn sách: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế” (sách do Báo Nhân Dân tuyển chọn), bài thơ: “Mùa thu này Anh về thăm Mường Lát” của tác giả Phạm Phú Thang đã được lựa chọn in trọn 1 trang, cùng với nhiều bài viết tiêu biểu của các tác giả trong và ngoài nước. Lão nhà thơ 92 tuổi chia sẻ, đó là niềm vui lớn, là niềm động viên để ông tiếp tục sáng tác thêm những vần thơ làm đẹp cho đời.
Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Thang vô cùng xúc động. Mấy hôm nay, ngoài đọc báo, xem ti vi đưa tin về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, ông lại lần giở những bài viết đầy ắp kỷ niệm về Tổng Bí thư ra xem. Ngoài bài thơ: “Mùa thu này Anh về thăm Mường Lát”, trong cuốn Hồi ký “Nhặt lại đời mình”, tái bản, có bổ sung do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, tác giả Phạm Phú Thang còn ghi lại một câu chuyện khá sâu sắc bằng thơ liên quan đến sự kiện ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ mà ở đó nổi bật rõ vai trò lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2015, tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mở tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại buổi tiệc, Ngài Phó tổng thống đã lẩy Kiều:
“Trời còn có để hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mấy cuối trời”
Trước đó, năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã từng lẩy Kiều bằng hai câu:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Ông Thang kể, khi quan sát và nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, mong muốn tiếp tục cùng với Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai” ông đã ngay lập tức “ca dao hóa” lời của Tổng Bí thư:
“Chuyện xưa gác lại tương đồng
Vượt qua khác biệt, biển Đông xanh màu”
Những lời mộc mạc, chân tình đó cũng đã được ông Thang chuyển đến Văn phòng Trung ương Đảng thông qua trợ lý của Tổng Bí thư.
Nhà thơ cao niên cho hay, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn quan tâm đến những vần thơ mộc mạc ấy khiến ông rất xúc động. Sau này, trong một tập thơ của riêng mình, tác giả Phạm Phú Thang có viết hai câu để cảm ơn Tổng Bí thư:
“Bộn bề công việc nước nhà
Vẫn dành một chút phù sa cho mình”
Lão nhà thơ đang sưu tầm tất cả các câu nói tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó tự mình “ca dao hóa” để mọi người dễ thuộc, dễ nhớ, dể đọc. “Để những giá trị, bài học từ sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lan tỏa, lưu truyền sâu rộng hơn trong cuộc sống”, ông Thang kỳ vọng.
TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, những tuần gần đây...
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...