Nếu bạn đang tìm kiếm một thức uống giúp an thần, ngủ ngon, giải độc..., trà lạc tiên là lựa chọn tuyệt vời.

1. Tìm hiểu về cây lạc tiên

Lạc tiên còn được biết đến với nhiều tên gọi như nhãn lồng, tây phiên liên, chùm bao, dây bầu đường… là dây leo không có lông.

Loại cây này có tên khoa học là Passiflora foetida L, họ Lạc tiên (Passifloraceae), tên dược liệu là Herba Passiflorae Foetidae.

Trừ rễ, các bộ phận của cây lạc tiên đều được sử dụng làm thuốc. Thông thường, người ta sẽ thu hái lạc tiên, phân thành các đoạn nhỏ và sau đó đem phơi hoặc sấy khổ để dùng làm trà uống hàng ngày.

Theo các nghiên cứu, các thành phần thực vật chính của loại cây này là:

- Alcaloid 0,033% (harman, harmin, harmol, harmalin, harmalol)

- Flavonoid 0,074% (saponarin, saponaretin, vitexin, xylosyl vitexin)

- Các hợp chất cyanogenic

- Giàu khoáng chất và các loại vitamin như A, C…

Đặc biệt, quả lạc tiên chín còn chứa lượng muối khoáng lớn như P, Ca, Fe.

Trừ rễ, các bộ phận của cây lạc tiên đều được sử dụng làm thuốc (Ảnh: Internet)

2. Công dụng của trà lạc tiên

Theo Đông y, lạc tiên có vị ngọt, đắng, tính mát. Có tác dụng an thần, lợi tiểu, tiêu viêm, giảm đau, thanh nhiệt, giải độc. Chủ trị: Chứng mất ngủ, nằm mơ nhiều, nóng gan, tim hồi hộp, suy nhược thần kinh, đau nhức xương khớp, người mệt mỏi, viêm mủ da…

Theo y học hiện đại, một số thành phần trong lạc tiên có thể đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Uống trà lạc tiên cũng có thể nhận được những lợi ích tương tự, cụ thể:

2.1. Hỗ trợ điều trị mất ngủ

Như đã biết, trong thành phần của lạc tiên có chứa các alcaloid - chất này có tác dụng kìm hãm sự hoạt động của cafein, giúp mọi người có giấc ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi và an thần hiệu quả.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho rằng, lạc tiên làm tăng axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não. GABA là một axit amin tự nhiên làm giảm hoạt động trong hệ thống thần kinh trung ương. Điều này giúp thư giãn, cải thiện tâm trạng, ngủ ngon hơn và giảm đau.

Các nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy hoa lạc tiên có lợi ích tích cực đối với chất lượng giấc ngủ.

Uống trà lạc tiên giúp thư giãn, cải thiện tâm trạng và ngủ ngon hơn (Ảnh: Internet)

2.2. Tốt cho xương

Lạc tiên có hàm lượng canxi cao. Canxi là khoáng chất chính tạo nên xương, là yếu tố thiết yếu trong cấu tạo mô xương để hệ xương khỏe mạnh.

2.3. Hỗ trợ giải quyết một số vấn đề về dạ dày

Trong một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí Dược học Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng điều trị loét dạ dày của hoa lạc tiên. Họ phát hiện ra rằng loại hoa này giúp giảm bớt vết loét ở chuột và có khả năng chống oxy hóa.

2.4. Phòng ngừa ung thư

Lạc tiên có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, flavonoid và kali. Các chất này có khả năng chống lại tác động của các gốc tự do, chẳng hạn như sự phát triển của tế bào ung thư, cũng như làm hỏng mô da.

2.5. Công dụng khác

- Ngăn ngừa thiếu máu: Cây lạc tiên có nhiều chất sắt giúp tạo hồng cầu để phòng ngừa và khắc phục bệnh thiếu máu.

- Khắc phục chứng Can Thận Rối Loạn: Hàm lượng khoáng chất trong loại cây này cũng có thể giúp thận hoạt động trong quá trình bài tiết nước tiểu.

- Kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

3. Cách sử dụng cây lạc tiên

Mọi người có thể sử dụng cây lạc tiên theo nhiều cách, tuy nhiên phổ biến nhất là sử dụng trà. Để làm trà lạc tiên, đầu tiên bạn rửa sạch lạc tiên sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc đem sấy khô.

Khi lạc tiên đã khô, bạn chỉ cần cho trà vào ấm và đổ nước sôi ủ như bình thường. Hoặc không bạn có thể cho lạc tiên khô nên đun đến khi nước sôi là có thể thưởng thức.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể hái ngọn non luộc ăn. Quả chín vàng ăn trực tiếp.

Mọi người có thể dùng trà lạc tiên hoặc ăn quả, ngọn non đem luộc để nhận những lợi ích sức khoẻ từ loại cây này (Ảnh: Internet)

4. Một số bài thuốc từ cây lạc tiên

Cây lạc tiên được sử dụng như một vị thuốc Đông y, một số bài thuốc liên quan đến loại cây này như:

Bài thuốc trị mất ngủ, lo âu, đầu óc choáng váng, loạn nhịp: Lạc tiên nấu thành cao lỏng với tỷ lệ 1 phần lạc tiên 1 phần nước, pha thêm chút đường cho dễ uống. Ngày sử dụng từ 2-3 lần, mỗi lần 50 -100ml, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị mất ngủ, các bạn có thể thu hái ngọn Lạc tiên tươi, sau đó đem rửa sạch với nước và ngâm nước muối trong khoảng 15 phút. Sau đó, đem nấu canh như với các loại rau khác để ăn hàng ngày.

Bài thuốc an thần: Lạc tiên, lá vông, lá dâu, lá sen, mỗi loại 20g, tâm sen 4g. Sắc uống ngày một thang. Uống 2-3 tuần tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm ngoài da, ngứa: Lạc tiên tươi hoặc khô khoảng 100g, đem đun nấu với 2 lít nước, dùng tắm hoặc rửa lên vùng da cần điều trị.

Bài thuốc thanh nhiệt, mát gan: Sử dụng 500g quả lạc tiên chín, cắt đôi, nạt hết ruột rồi đem ép lọc chắt lấy nước. Sau đó, cho thêm 250g đường và 1l nước, hoà trộn đều tất cả các nguyên liệu là bạn đã có một loại trà giải khát, thanh nhiệt.

Lưu ý, mọi người nên sử dụng bài thuốc từ cây lạc tiên theo hướng dẫn của thầy thuốc, bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo đúng bệnh, đúng thuốc và có hiệu quả. Đặc biệt, các bài thuốc trên chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ.

Cây lạc tiên được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y (Ảnh: Internet)

5. Một số lưu ý khi sử dụng cây lạc tiên

Được biết với nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng loại cây này, mọi người nên lưu ý một số điều:

- Khi sử dụng chung Lạc tiên với các loại thuốc Tây y, chẳng hạn như nhóm thuốc an thần, chống đông máu bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Mỗi ngày chỉ nên dùng 6 đến 16g cây khô. Dùng quá liều lạc tiên có thể dẫn tới tình trạng mệt mỏi, bồn chồn, buồn nôn, ngủ gật.

- Khi dùng dưới dạng khô, khi cây đã có dấu hiệu mốc, ẩm thì bạn không nên sử dụng

- Phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú không nên sử dụng loại cây này, chúng có thể gây ra các cơn co thắt nếu bạn đang mang thai. Đối với trẻ nhỏ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.