Triệu chứng tiêu chảy cấp

Đi ngoài, đau bụng là triệu chứng thường gặp - Ảnh minh họa: Internet

- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần (> 4 lần/ngày)

- Phân có mùi khó chịu, phân nát hoặc lỏng, có thể có lẫn chất nhầy hoặc máu, thậm chí có thức ăn không tiêu trong phân ( sống phân).

- Đau bụng, có những cơn đau quặn vùng quanh rốn, sau mỗi cơn đau có thể đi ngoài ngay.

- Buồn nôn và nôn.

- Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốt.

Điều trị tiêu chảy cấp

Bù dịch cho bệnh nhân tiêu chảy cấp

Việc đi ngoài phân lỏng liên tục có thể kèm theo nôn sẽ khiến cơ thể bạn bị mất đi một lượng dịch (bao gồm nước và các chất điện giải) đáng kể. Chính vì vậy mục tiêu điều trị đầu tiên là bù lại lượng dịch này. Bù dịch bằng cách:

Uống nước Oresol thành từng ngụm nhỏ, uống từ từ, từng chút một.

Uống nước lọc, nước hoa quả như nước dừa, nước cam, nước chanh…

Không nên uống nước ngọt có ga hay nước hoa quả công nghiệp.

Điều trị sốt

Thường xuyên theo dõi sát nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Nếu người bệnh sốt trên 38,5 độ thì nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt Paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng, 2 lần cách nhau tối thiểu 4 – 6h, uống không quá 4 lần/ngày.

Kiểm soát nôn, buồn nôn

Tránh ăn những thức ăn đặc cho đến khi không còn nôn nữa.

Không ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên, xào, nướng,…. để tránh bị đầy bụng gây đau bụng khó chịu.

Không ăn thức ăn có vị cay hoặc các thức ăn chứa nhiều đường.

Chế độ dinh dưỡng

Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân bị mất nước, mất sức, cơ thể mệt mỏi. Cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh bằng cách cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một lượng thức ăn vừa phải.

Người bệnh nên ăn những thức ăn mềm, được nấu loãng như cháo hoặc súp. Đây là những món ăn vừa giàu chất dinh dưỡng lại dễ hấp thu.

Người bệnh có thể uống thêm sữa.

Không nên ăn cơm hoặc những đồ ăn cứng khó nuốt.

Lưu ý khi dùng thuốc: Không nên dùng thuốc chống nôn hoặc chống tiêu chảy cấp khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Khi nào bệnh nhân tiêu chảy cấp cần tới gặp bác sĩ?

Bệnh nhân tiêu chảy cấp cần tới gặp bác sĩ ngay khi có một trong các biểu hiện sau:

- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần liên tục, buồn nôn và nôn nhiều, không có dấu hiệu thuyên giảm.

- Sốt cao, uống thuốc hạ sốt mà không đỡ.

- Đau bụng quằn quại.

- Các dấu hiệu bất thường khác nghi ngờ nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Cách phòng tránh ngộ độc thức ăn

Ăn chín, uống sôi

Đây là một trong những điều quan trọng nhất để đảm bảo cho bạn tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bạn nên thực hiện một số nguyên tắc sau để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, nhất là đối với trẻ nhỏ:

Không ăn các thức ăn tái, sống như các món gỏi, tiết canh, các loại nem làm từ thịt sống, …

Không uống nước mưa, nước lã, …

Chọn thực phẩm an toàn

Thực phẩm không đảm bảo an toàn, chứa chất bảo quản hay hóa chất chính là nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn. Để đảm bảo an toàn, nên mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Nên rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Việc làm này sẽ giúp các vi khuẩn từ tay chân không có cơ hội tấn công, xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Rửa tay đúng cách giúp phòng bệnh tiêu chảy cấp - Ảnh minh họa: Internet

Bổ sung men vi sinh để đảm bảo cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Các lợi khuẩn trong men vi sinh sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái đường ruột, giúp ngăn chặn sự xâm lấn của các vi khuẩn có hại.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội