Dông, lốc làm sập, tốc mái nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Hòn Đất. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương tạo điều kiện và bố trí phương tiện vận chuyển cấp cứu các nạn nhân bị thương tại xã An Sơn về đất liền để chữa trị. Sở Y tế đã chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị kịp thời cứu chữa, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người bị nạn và đưa người bị nạn về quê.

Ông Lê Quốc Việt, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cho biết, đến trưa 19/7, địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa diện rộng; mưa lớn kèm dông, lốc gây thiệt hại 85 căn nhà. Gió mạnh gây sóng to làm chìm 4 phương tiện; trong đó chìm một tàu du lịch và một ghe câu mực tại huyện Kiên Hải, một tàu cá ở huyện Kiên Lương và một tàu cá ở thành phố Hà Tiên.

Tại huyện Châu Thành, mưa dông, lốc làm 200 ha lúa trong giai đoạn mạ trên địa bàn xã Vĩnh Hòa Phú, xã Giục Tượng bị ngập; 350 ha lúa giai đoạn thu hoạch trên địa bàn xã Mong Thọ B đổ ngã. Bên cạnh đó, dông lốc làm nhiều cây xanh, cột điện trên địa bàn tỉnh đổ ngã.

Để tiếp tục ứng phó với thời tiết xấu, tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó với mưa bão; dừng hoạt động các tàu ra đảo để đảm bảo an toàn cho hành khách. Chi cục Thủy lợi chủ động mở các cống và phối hợp với đơn vị quản lý vận hành mở tất cả các cống Cái Bé, Cái Lớn, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập tại những nơi trũng thấp.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi, huy động các lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp, bố trí nơi ở tạm, ứng trước ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay cho các hộ bị ảnh hưởng; đồng thời sớm hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản để người dân sớm ổn định cuộc sống.