Theo Sohu, mới đây, một cậu bé 15 tuổi đến từ Thượng Hải, Trung Quốc có tên Mạnh Địch vô tình rơi từ tầng 6 xuống đất do bị mộng du. Mặc dù lúc đó Mạnh Địch vẫn tỉnh táo nhưng hai chi dưới của cậu bé 15 tuổi không thể đứng vững. Gia đình đã đưa Mạnh Địch đến bệnh viện ngay sau đó nhưng kết quả chụp CT cho thấy, Mạnh Địch bị gãy xương vùng ngực và thắt lưng, tình trạng rất nguy hiểm. Hiện tại, các bác sĩ đang tìm biện pháp hiệu quả nhất để điều trị cho Mạnh Địch. Sự việc này nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của cư dân mạng xứ Trung.

 Cậu bé 15 tuổi sống tại Trung Quốc rơi từ tầng 6 xuống đất trong lúc mộng du

Nói về vấn đề này, nhà trị liệu tâm lý nhi khoa Vương Quảng Hải hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải, Trung Quốc cho biết, mộng du là tình trạng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt ở tuổi mẫu giáo và ở độ tuổi đi học. Mặc dù trẻ mộng du thường mở mắt hoặc tỏ ra tỉnh táo nhưng thực chất trẻ đang ngủ sâu, vì vậy, khi trẻ mộng du thường tỏ ra bối rối, lẩm bẩm hoặc trả lời sai câu hỏi và khó bị đánh thức.

Một số trẻ mộng du sẽ đi vào phòng của bố mẹ nhưng cũng có trường hợp lại đi đến nơi xa lạ như tầng hầm hoặc đi ra ngoài. Tình trạng mộng du có thể kéo dài vài phút đến nửa giờ đồng hồ, thậm chí lâu hơn. Vì trẻ đang trong trạng thái ngủ sâu khi mộng du nên sẽ không biết chuyện gì đang xảy ra. Mộng du có thể tỉnh thoảng mới xảy ra hoặc đêm nào cũng xuất hiện. Mặc dù mộng du được coi là “lành tính” nhưng các bậc cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến con của mình vì rất có thể đứa trẻ sẽ đi đến những nơi nguy hiểm như cầu thang hoặc thậm chí đi ra ngoài đường.

 Vì xương vùng ngực và vùng thắt lưng bị gãy nên hai chi dưới của cậu bé bị ảnh hưởng nặng nề

Vương Quảng Hải giải thích rằng, nhiều trẻ em thỉnh thoảng mộng du và khoảng 17% trẻ em thường xuyên mộng du. Mộng du thường bắt đầu ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi và đạt đỉnh điểm ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Mộng du có tính di truyền trong gia đình và trẻ mộng du có nhiều khả năng mắc chứng sợ hãi ban đêm hơn. Nên buộc chuông ở cửa phòng ngủ của trẻ để cảnh báo cha mẹ mỗi khi con bị mộng du. Khi phát hiện con bị mộng du, phụ huynh nên bình tĩnh, nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ, hướng dẫn trẻ từ từ quay lại giường.