Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Cologne (Đức) tiến hành các thí nghiệm trên giun để xác định mối liên hệ giữa nhiệt độ thấp và tuổi thọ. Theo đó, thời tiết lạnh đã thúc đẩy quá trình loại bỏ các protein bị hư hỏng khỏi tế bào. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Aging.

Khi già đi, bạn có thể mắc một số bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm cả bệnh Alzheimer và Parkinson, có liên quan đến tích tụ các protein xấu. Do đó, việc khám phá ra nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình này là bước tiến quan trọng. 

Các tác giả cho biết: “Nhiệt độ cực thấp là bất lợi, nhưng nhiệt độ cơ thể giảm vừa phải có thể đem lại lợi ích. Mặc dù tác động kéo dài tuổi thọ của nhiệt độ thấp đã được ghi nhận từ hơn một thế kỷ trước, nhưng giới chuyên môn chưa rõ cơ chế của hiện tượng này". 

Họ đã tiến hành các thử nghiệm trên giun C. elegans và tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, nhiệt độ thấp hơn dẫn đến loại bỏ các khối protein tích tụ trong mô hình động vật và tế bào của bệnh xơ cứng teo cơ một bên và bệnh Huntington.

Theo Science Alert, giun C. elegans thường được sử dụng trong nghiên cứu vì có chung một số điểm tương đồng quan trọng về gene với con người, bao gồm cách các protein có thể kết tụ lại với nhau.

Nhà sinh vật học David Vilchez, Đại học Cologne, nhận định: “Kết quả này cho thấy trong quá trình tiến hóa, cái lạnh đã duy trì ảnh hưởng đối với lão hóa và các bệnh liên quan đến lão hóa”.

Vẫn còn rất nhiều điều để khám phá về mối quan hệ giữa nhiệt độ và tuổi thọ. Ví dụ, nhiệt độ trung bình bên trong cơ thể con người đã giảm dần trong nhiều thập kỷ, điều này có thể ảnh hưởng đến việc tăng tuổi thọ.

“Chúng tôi tin rằng những phân tích đó có thể áp dụng cho các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan đến tuổi tác”, nhà sinh vật học Vilchez nói.