Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu (Lipoprotein tỷ trọng thấp – LDL) hay chất béo trung tính (triglycerides) hoặc cả hai ở trong máu. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch.

Ảnh minh họa

5 nguyên nhân gây mỡ máu cao

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến máu mỡ cao, bao gồm:

– Do yếu tố di truyền, yếu tố giới tính và tuổi tác.

– Người thường xuyên bị căng thẳng, stress kéo dài.

– Người có thể trạng béo phì, lười vận động.

– Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc chất có cồn.

– Người mắc một số bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tự miễn, suy giáp, buồng trứng đa nang.

Bị mỡ máu cao tàn phá cơ thể như thế nào?

Theo VNN, người bị mỡ máu cao nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc:

Suy giảm chức năng mắt

Để duy trì chức năng bình thường của mắt, cần phải cung cấp đủ máu. Hầu hết những trường hợp có lượng mỡ máu cao trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu tới các mạch quanh mắt, từ đó dẫn đến xuất hiện một số bệnh về mắt.

Gây bệnh mạch vành

Khi lượng mỡ máu tương đối cao, một số chất béo sẽ lắng đọng trong mạch máu làm xơ vữa động mạch. Lúc này, mạch máu sẽ hẹp lại, lượng máu lưu thông cũng giảm đi, dễ gây ra hiện tượng thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành xuất hiện.

Nguy cơ bệnh gan

Mỡ máu cao lâu ngày còn có thể làm tổn thương gan, tỷ lệ gan nhiễm mỡ tăng lên. Bệnh gan xảy ra sau khi xơ vữa các động mạch quanh gan, đồng thời có thể tổn thương các tiểu thùy gan, khiến cấu trúc gan bị biến đổi dẫn đến xơ hóa.

Nguy cơ loãng xương

Bệnh nhân bị tăng mỡ máu sẽ có lượng lớn lipoprotein (kết hợp chất béo và chất đạm) tự do trong huyết tương, axit hóa dịch cơ thể khiến virus, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây ra thiếu hụt và loãng xương.

Ảnh minh họa

Ai có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu?

Theo SKĐS, Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu. Nguy cơ làm tăng rối loạn mỡ máu được chia thành các nhóm như sau:

- Nhóm nguy cơ không thay đổi được: Tiền sử gia đình có người mắc rối loạn mỡ máu. Độ tuổi càng cao nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu càng cao. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nam giới mắc rối loạn mỡ máu cao hơn phụ nữ ở trước tuổi mãn kinh.

- Nhóm nguy cơ có thể thay đổi được: Chế độ dinh dưỡng ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo bão hòa chất béo chuyển hóa. Người có lối sống ít vận động. Người hút thuốc lá.

- Nhóm bệnh lý đi kèm: béo phì, đái tháo đường, bệnh lý suy giáp…

Để giảm nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu, người bệnh nên can thiệp vào các yếu tố có thể thay đổi được như điều chỉnh lối sống và điều trị các bệnh lý đi kèm nếu có.

Mỡ máu cao khi nào cần điều trị?

Theo các chuyên gia y tế, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có lời khuyên dành cho người bệnh.

Đối với trường hợp còn trẻ và không có các yếu tố nguy cơ khác thì đa phần bác sĩ sẽ đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu, bao gồm:

- Cần tăng cường vận động.

- Cần hạn chế chất béo bão hòa, nhất là mỡ động vật, trà sữa.

- Cần giảm cholesterol trong thực phẩm như lòng đỏ trứng, bơ, tôm…

- Cần ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.

- Cần giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Không hút thuốc lá .

- Cần hạn chế uống rượu bia.

Nếu sau khi thay đổi lối sống (khoảng 2-3 tháng) mà mỡ máu không giảm hoặc vẫn tăng cao thì cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nhìn chung, khi bị tăng mỡ máu, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, thì chế độ ăn, uống hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nồng độ mỡ trong máu trở về chỉ số bình thường. Ngoài ra, cần tăng cường luyện tập thể dục, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá và các chất kích thích. Khám bệnh định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín để được các y, bác sĩ tư vấn và chỉ định làm các xét nghiệm mỡ máu phòng ngừa mỡ máu tăng cao.