Ngay từ những ngày đầu yêu nhau, tôi đã bị mẹ và gia đình cấm đoán. Trong giai đoạn này mẹ và vợ tôi bây giờ lại có xích mích với nhau. Tôi đã rất khó khăn để có được sự đồng ý cưới cô ấy. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng bằng mặt nhưng không bằng lòng. Vợ tôi do bị mẹ chồng ngăn cản nên cũng có tâm lý phản kháng và coi thường gia đình tôi. Vợ chồng làm ăn ở Sài Gòn nhưng hầu như cô ấy không gọi điện về thăm hỏi gia đình chồng, vậy nên mẹ tôi rất khó chịu và gây áp lực lên tôi. Tôi đã nói chuyện nhưng vợ rất cá tính và cứng đầu, biện hộ mọi lý do để không phải hỏi thăm bố mẹ chồng.

Ảnh minh họa

Lúc hai vợ chồng có ý định mua nhà, bố mẹ tôi nói sẽ hỗ trợ 1/3 số tiền, nhà vợ giúp 100 triệu, còn lại vợ chồng tôi vay thêm. Tuy nhiên, lúc cho tiền thì mẹ chồng và con dâu lại cãi nhau nên mẹ tôi giữ lại 200 triệu với ý là không vừa lòng về thái độ của vợ tôi. Vì lý do này mà cô ấy suốt ngày cằn nhằn. Tôi khổ sở giải thích cho hành động của mẹ, và vận động mẹ cho tiền tiếp để mua nhà vì tôi không có khả năng vay thêm 200 triệu. Vợ suốt ngày nói rằng coi thường bố mẹ bỏ mặc con lúc khó khăn. Cuối cùng mẹ tôi cũng chịu cho nốt 200 triệu trong tâm lý không vừa lòng về con dâu.

Trong mấy ngày đầu khi vợ tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng và con dâu lại cãi nhau. Lúc này mẹ tôi không nhường nhịn nữa, nói thẳng với con dâu là muốn hai vợ chồng tôi ly hôn. Dựa vào lý do này, cô ấy suốt ngày dằn vặt tôi rằng mẹ chồng muốn phá hoại gia đình con cái. Tôi thấy nhiều lúc vợ hỗn với mẹ; đôi khi mẹ không giữ được bình tĩnh nên chửi những điều không hay. Đứng giữa nên tôi đã ra sức làm giảm căng thẳng, giải thích từng hành động của hai người họ với nhau. Tôi rất khổ tâm và dường như bất lực khi giải quyết mối quan hệ này. Vì vợ tôi mà gia đình bên nội không muốn vào Sài Gòn thăm cháu. Mong chuyên gia và quý độc giả giúp tôi giải quyết, làm cách nào để mẹ và vợ tôi làm hòa với nhau. Xin chân thành cảm ơn.

Lâm

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Việc bị gia đình bạn cấm đoán từ những ngày đầu yêu nhau đã ăn sâu vào vỏ não của vợ bạn, cộng thêm cô ấy có trạng thái tâm lý chảnh, hay thù hận nên hiện tượng ấy không dễ xóa đi nếu không có một cái gì đó vượt lên cảm xúc thông thường. Người có trạng thái tâm lý này nói gì thì chỉ nói một lần, không nói lại và luôn luôn tự cho mình là đúng, không có năng lực điều chỉnh tâm lý theo hoàn cảnh, người đời vẫn gọi dạng này là thù dai.

Khi bạn phải rất khó khăn mới có được sự đồng ý cưới của cô ấy, nhưng lại không có sự giao ước với cô ấy và cũng không khéo léo "bảo ban" vợ từ khi mới về. Vì thế tâm lý của vợ bạn càng “ngạo mạn" với chồng. Những người phụ nữ có tính chảnh, thù dai, ghét ai thì khó thay đổi, nhưng bắt nạt được thì không bao giờ để lỡ cơ hội.

Vợ và mẹ bạn ngay từ đầu ai cũng cho mình là tối cao nên mới có xích mích. Hơn nữa mẹ bạn lại có tính gia trưởng, quyền lực, mẹ là trên hết, vì thế bà không thay đổi suy nghĩ vì con, thương con dâu mà chỉ vì con trai của bà. Tất cả những suy nghĩ, hành động của mẹ bạn đã làm cho trạng thái tâm lý của vợ bạn ức chế, cộng với tính cách vốn có của cô ấy đã gây ra mâu thuẫn nặng nề hơn.

Gia đình bạn bằng mặt nhưng không bằng lòng là nguyên nhân chính làm cho vợ bạn trở nên lạc lõng. Bắt lỗi trẻ dễ lắm, hiểu trẻ mới khó. Người lớn cần vị tha, đại lượng với người trẻ, sau đó nhẹ nhàng chỉ ra đúng sai thì tâm lý của người trẻ mới mở ra. Còn người lớn bắt lỗi người trẻ, cửa tâm lý đóng lại và xuất hiện trạng thái tự vệ. Từ việc cha mẹ bạn bằng mặt không bằng lòng đã làm cho vợ bạn tổn thương, nhất là vợ bạn ngang ngạnh nên mới có tâm lý phản kháng và coi thường gia đình bạn.

Khi bị mẹ chồng coi thường, vợ bạn giữ tâm lý tự vệ nên không gọi điện về thăm hỏi gia đình chồng. Tâm lý này cũng bình thường ở những người có cá tính, họ thà rằng im lặng còn hơn nói ra để bị người khác coi thường. Việc mẹ bạn khó chịu vì bà cửa quyền, không thương con dâu. Người ta có thể kiên quyết không cho cưới nhưng khi đã kết hôn rồi thì trai hay dâu cũng đều là con mình, và mẹ bạn không làm được điều ấy.

“Tôi đã nói chuyện nhưng vợ tôi rất cá tính và cứng đầu”. Vợ bạn cá tính thì có nhưng cứng đầu thì không hẳn. Bạn phải đặt mình vào vị trí của vợ để nhận thấy: mình đang bị mẹ coi thường trong khi được cưới xin đàng hoàng, thế thì tại sao lại phải đi năn nỉ. Từ cái rất khó này, vợ bạn đành phải biện mọi lý do vì không muốn mà cũng khó để nói ra.

Mẹ bạn vẫn là người muốn áp đặt quyền lực lên con dâu, vì thế muốn dùng 200 triệu như một uy lực nên càng làm cô ấy bị tổn thương. Lẽ ra việc cho con là cho, còn việc ứng xử lại là chuyện khác. Mẹ bạn không làm tốt việc dạy con dâu mà chỉ bắt con dâu phải..., phải… Chính vì thế trong mấy ngày đầu khi vợ bạn sinh con đầu lòng, mẹ chồng và con dâu lại cãi nhau. Bạn cần tìm hiểu cãi nhau về cái gì? Có phải khi vợ bạn sinh bà lại cho một loạt lời “chỉ huấn”, trong khi vợ bạn mới sinh xong đầy mệt mỏi. Và cuối cùng bà gia trưởng nên nói thẳng với con dâu là muốn hai vợ chồng bạn ly hôn. Điều này là vi phạm đạo đức và pháp luật.

Bạn khổ tâm vì không thấy nỗi khổ của vợ, cô ấy đang là con dâu mà bị người ta bằng mặt không bằng lòng; đang có cuộc sống vợ chồng, vừa mới sinh con mà bị người ta bảo ly hôn. Bạn chỉ thấy vợ bạn hỗn với mẹ, mà không hiểu cô ấy đang bị mẹ bạn bắt ép quá sức chịu đựng. Bạn rất có hiếu nhưng không biết cách giải quyết vấn đề, mà căn nguyên là ở mẹ bạn chứ không phải vợ. Bạn tìm cách nói mẹ bạn thương cháu thì phải thương cả mẹ nó mới giải quyết được; còn mọi sự giả dối, bằng mặt không bằng lòng, áp đặt đều gây tan vỡ gia đình bạn và một lúc nào đó sẽ dẫn đến ly hôn thật như mẹ bạn muốn.

Chúc bạn đúng đắn.