Nhận lá đơn cầu cứu khẩn cấp của chị Nguyễn Thị Sáu (thôn Trai Chang, thị trấn Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), PV báo Dân trí đã có mặt tại ki ốt số 4, Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội thăm hai mẹ con khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối.

Căn phòng trọ bé xíu, rộng chừng vài mét vuông, chị thuê để bán hàng, tằn tiện kiếm từng đồng bạc lẻ để có tiền mua thuốc cho con điều trị căn bệnh ung thư võng mạc đã nhiều năm qua.

Cô bé Yến Nhi phát hiện căn bệnh ung thư võng mạc và đã phẫu thuật khoét bỏ mắt.
Cô bé tủi thân vì mình không thể nhìn được ánh sáng như bao bạn bè khác.

Đôi bàn tay thoăn thoắt, chị lấy từng chiếc bánh mì nóng hổi đưa cho các bạn sinh viên, đôi mắt chốc chốc lại dõi theo con gái là cô bé Nguyễn Hoàng Yến Nhi đang miệt mài học chữ nổi. Đôi mắt em đã phẫu thuật khoét bỏ đi nên không còn nhìn thấy gì cả, Yến Nhi hoàn toàn cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng sự lắng nghe của mình. Thấy bước chân người lạ đến, con lễ phép: "Con chào cô" rồi lại lần sờ từng dòng chữ nổi đọc theo. Cô bé cứ thế miệt mài cho mẹ bán hàng, còn không có khái niệm ngày đêm bởi thế giới của con chỉ có màu đen như vậy.

Nhìn con gái, chị Sáu nghẹn ngào: "Thấm thoát con bé cũng được hơn 10 tuổi rồi, cũng là bằng đó thời gian chị một mình chăm con. Bố cháu cũng có gia đình riêng lâu rồi nên chị cũng xác định con bé là con của một mình chị thôi. Thi thoảng con có hỏi bố, chị cũng tủi thân lắm nhưng biết làm sao được".

Để có tiền cầm cự nuôi con trên Hà Nội, chị Sáu thuê 1 gian nhà nhỏ mở quán nước và bánh mì.

Cuộc hôn nhân không hạnh phúc khiến chị Sáu không thể nào làm khác được. Những ngày con còn bé, nhận ra dấu hiệu bất thường khi dưới ánh đèn, đôi mắt con sáng lên như mắt mèo, chị vô cùng sợ hãi, hoang mang cho con đi khám thì nhận tin dữ, con bị căn bệnh ung thư võng mạc phải phẫu thuật khoét bỏ mắt rồi truyền hóa chất. Nhớ lại thời điểm đó khiến người mẹ nghèo đáng thương rùng mình, sợ hãi.

Chị Sáu chia sẻ những nhọc nhằn khi làm mẹ đơn thân nuôi con bạo bệnh.

"Bất lực lắm, căn bệnh lần đầu tiên nghe thấy. Chị cứ thế bế con đi thôi, ai mách đâu là đi đấy, đi trong trạng thái vô thức và trong túi không còn bất cứ một đồng tiền nào luôn"…

Phải di chuyển thường xuyên giữa 2 bệnh viện K2 và bệnh viện Mắt TW, nên chị thuê phòng trọ luôn ở đây. Lâu lắm rồi không được về nhà, chị Sáu nhớ quê lắm nhưng căn bệnh của con phải thuốc thang thường xuyên nên chị không còn cách nào khác. Đôi mắt không còn thấy gì cả, nhưng Yến Nhi ham học và luôn muốn được đi học nên chị lại gắng gượng lo cho con học chữ nổi. Cô bé say sưa, miệt mài ngồi lần sờ từng nét chữ để đọc… trông tội lắm. Con không có được tuổi thơ bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa, đến tình thương của người bố sinh thành ra mình, con cũng không có nốt.

Cô bé miệt mài ngồi học chữ nổi...

Câu chuyện cứ thế diễn ra, khi bóng tối cũng dần ập xuống con ngõ nhỏ. Chiếc bóng đèn điện hơi lờ mờ được bật lên, cũng là khi chị Sáu bắt đầu pha vài âu nước trà đá để bán. Tối nào cũng thế, chị bao giờ cũng là người ngủ muộn nhất khu này để dọn dẹp và cố bán cho những người khách về muộn. Chị bảo cuộc đời đã thử thách thế rồi, chỉ còn cách bước đi tiếp tục mà thôi, còn dừng lại là tính mạng của con cũng theo thế mà bị đe dọa luôn…

"Nay bán được nhiều bánh mì không chị Sáu ơi?" Tiếng một người đi đổ hàng hỏi chị muộn như phá tan bầu không khí đang yên ắng, buồn đến não lòng. Tính toán, chị bảo bán được hơn 20 chiếc, được chút tiền mai đi lấy thuốc cho con. Ở khu này, ai cũng thương chị nhưng cùng cảnh lao động nghèo tứ xứ đi lên, nên không giúp được gì cả…

Chị Sáu cầu xin mọi người hỗ trợ để chị có tiền mua thuốc cho con.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, kéo theo cả tuổi thanh xuân, nước mắt của chị. Sự sống của chị dồn cả vào con nhưng đến vài tháng rồi chị không cho con quay lại viện Mắt thăm khám vì không có tiền. Chị sợ lắm khi nghe tin bạn nào cùng phòng con ra đi… nhưng bất lực, không biết bám víu vào ai. Giọng chị khàn đặc, nghẹn lại, cầu xin: "Xin các cô, các chú cứu cháu, cho cháu có cơ hội được sống".