Khi mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng mong muốn con mình chào đời đủ ngày đủ tháng và khỏe mạnh. Bà mẹ Hannah Coffey (30 tuổi, sống tại Broxbourne, Anh) cũng đã mang theo nỗi niềm đó và tin tưởng các bác sĩ tại bệnh viện Lister sẽ giúp cô đón con thành công. Vậy nhưng cuối cùng mọi chuyện lại rẽ theo hướng đau đớn, xót xa hơn cũng vì một sự nhầm lẫn không đáng có trong y tế.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày 13/1/2019, khi Hannah chuyển dạ và được chồng đưa đến bệnh viện. Ban đầu khi kiểm tra, bác sĩ cho biết tim thai có dấu hiệu giảm nên Hannah cần được theo dõi sát sao. Vậy nhưng chỉ 10 phút sau, cô được kiểm tra lại và kết quả là tim thai đã trở lại bình thường nên việc theo dõi được hủy bỏ. Cổ tử cung mẹ bầu này cũng chưa mở nên bác sĩ để cô nằm tại phòng chờ.

Chỉ 1 giờ sau, Hannah đã hạ sinh bé Eddie. Tuy nhiên, tình trạng khi chào đời của bé rất đáng lo ngại, lập tức được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và phải thở máy. Nhịp tim của bé liên tục giảm nên các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản.

Hannah đau đớn mất con sau ngay ngày đầu tiên bé chào đời.

Hai giờ sau khi chào đời, một bác sĩ chuyên khoa nhi đã đến xét nghiệm máu cho Eddie. Kết quả cho thấy đứa trẻ bị nhiễm toan chuyển hóa – một rối loạn điện giải nghiêm trọng. Cậu bé được truyền dịch và thuốc tức thì ngay khi còn đang nằm thở máy.

Sau đó, vì nghi ngờ bé trai có thể bị tổn thương não do thiếu oxy, một bác sĩ đã quyết định chuyển Eddie đến phòng chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Luton & Dunstable để điều trị. Nhưng tiếc là sau khi chuyển viện chưa đầy một ngày, cậu bé đã không qua khỏi.
Đây là nỗi đau thấu tim với vợ chồng Hannah. Và cô càng bức xúc hơn khi biết đáng lẽ con trai có thể qua khỏi nếu các bác sĩ tại bệnh viện Lister không mắc một lỗi sai "ngớ ngẩn" khi thăm khám. Đó chính là họ đã ghi nhận nhầm nhịp tim của thai nhi thành nhịp tim của Hannah trong lần kiểm tra sau, từ đó dỡ bỏ tình trạng theo dõi.

"Giống như nhiều cha mẹ khác, chúng tôi đặt niềm tin vào sự chăm sóc của các bác sĩ. Việc các nhân viên y tế ở bệnh viện Lister thiếu năng lực sử dụng thiết bị y tế đã khiến Eddie phải ra đi một cách oan ức", Hannah đau đớn nói.

Bác sĩ tại bệnh viện đã ghi nhận nhầm nhịp tim thai thành nhịp tim của người mẹ. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, kết quả khám nghiệm tử thi cũng cho thấy nguyên nhân tử vong của Eddie là do ngạt chu sinh – một tình trạng thiếu oxy trong quá trình sinh.

Trong phiên tòa xét xử vụ việc diễn ra gần đây, công tố viên cho biết:"Cái chết của bé trai là do ngạt vì trong quá trình chuyển dạ đã không được xử lý đúng cách, kết hợp với sự bỏ mặc tạo nên cái chết của Eddie".

Gia đình Eddie quyết tâm theo đuổi vụ kiện cũng như chia sẻ rộng rãi sự việc đau lòng. "Việc phải chia xa con trai vĩnh viễn chỉ sau vài giờ con được sinh ra đã để lại một lỗ hổng lớn trong trái tim chúng tôi và vết thương ấy sẽ mãi mãi không bao giờ lành. Trước đó, không một giây phút nào tôi tưởng tượng ra được thảm cảnh rằng chúng tôi đến bệnh viện để sinh một em bé khỏe mạnh. Nhưng cuối cùng lại ra về tay không. Ai có thể thấu nỗi đau đó của chúng tôi. Vì vậy, tôi mong là sau sự việc đau lòng của Eddie, các y bác sĩ sẽ được đào tạo một cách kỹ lưỡng hơn về cách vận hành máy móc. Để không có một gia đình nào phải đau đớn như chúng tôi", bà mẹ nhắn nhủ.

Nhịp tim bình thường của thai nhi là bao nhiêu?

Nhịp tim thai là một chỉ số quan trọng cần theo dõi vì tim thai đập quá nhanh hoặc quá chậm do so với ngưỡng bình thường thì rất có thể sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi đang gặp vấn đề. Nhịp tim trung bình của thai nhi sẽ thay đổi theo từng tuần thai.

Thông thường, cuối tuần thứ 5 thai kỳ la có thể nghe thấy tim thai. Đến tuần thứ 7, nhịp tim thai nhi lớn dần lên và bắt đầu phân chia thành buồng trái và buồng phải. Nhịp đập mỗi phút bắt đầu từ 90–110 nhịp/phút và tăng mỗi ngày. Nhịp tim thai tiếp tục tăng cho đến khi nó đạt đỉnh điểm vào khoảng tuần 9, từ 140–170 nhịp đập mỗi phút cho bé trai lẫn bé gái.

Tim thai bắt đầu đập nhẹ ở tuần thai thứ 11 và và đến khoảng tuần 12 thì gần như đã hoàn thiện. Ở tuần thai thứ 14, tim thai đập rõ ràng hơn. Đến tuần thứ 16 đã có thể bơm máu với lượng khoảng 24 lít/ngày và số lượng này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của bé. Lúc này, tim đã hoàn chỉnh về mặt cấu tạo và đảm nhiệm chức năng của mình.

Từ các tuần thai tiếp theo cho đến lúc bé chào đời, nhịp tim thai nhi tiếp tục lớn hơn về kích thước, khối lượng. Bình thường tim thai đập từ 120 – 160 lần /phút.