Tháng 9/2017, gia đình phát hiện bé Hải An có những dấu hiệu bệnh bất thường như méo miệng, hai mắt có hiện tượng song thị,... nên đã nhanh chóng đưa em đi châm cứu. Dấu hiệu bệnh có chiều hướng đỡ hơn nhưng không khỏi hẳn. Lúc này các bác sĩ khuyên chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương (mẹ bé) nên đưa con gái đi chụp chiếu để chữa trị tận gốc.

Cầm tờ xét nghiệm trên tay, 2 mẹ con đi từ Bệnh viện Việt Đức qua Bạch Mai rồi sang bệnh viện K nhưng đều chung một kết quả: Hải An bị u não, khối u hiện đã chèn lên dây thần kinh nên y học không thể can thiệp được.

 

Trong những ngày điều trị, chị Dương hay kể cho con nghe về chuyện hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh. Một lần, khi còn tỉnh táo bé An tâm sự với mẹ: "Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...".

Chiều 22/8/2018, bé Hải An từ biệt cuộc sống khi mới qua tuổi thứ 7 được 3 tháng. Chị Dương đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối tạng Hà Nội để đăng ký hiến mô tạng cho những bạn nhỏ kém may mắn hơn. Nhưng do quy định chỉ nhận tạng của người đủ 18 tuổi trở lên nên bệnh viện chỉ có thể nhận giác mạc của bé.

Chiều tối cùng ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt trung ương đã đến tận nhà bé để nhận giác mạc và chứng kiến những lời âu yếm của mẹ bé dành cho con gái: “Con hãy tặng ánh sáng của mình cho các bạn nhỏ khác nhé”.

Câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho hai người mù lòa đã làm lay động trái tim của rất nhiều người, góp phần lan rộng ý nghĩa của phong trào đăng ký hiến mô tạng trong cộng đồng.

Sau đó, một phong trào hiến mô tạng, giác mạc đã lan rộng khắp cả nước, số người đăng ký và hiến tặng mô tạng tăng lên một cách nhanh chóng. Câu chuyện này cũng đã được đưa vào thơ, văn, đề thi ở nhiều cấp học khác nhau.


Hình ảnh chị Dương và con gái Hải An trước khi bé mắc bạo bệnh qua đời. Ảnh: NVCC

Thời gian trôi đi, hình ảnh và nghĩa cử của bé Hải An vẫn mãi ở lại trong lòng mọi người, nhưng bản thân chị Dương sau đó gặp không ít khó khăn.

"Tôi cảm thấy như Hải An vẫn luôn ở bên cạnh tôi"

Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, chị Dương kể, khi Hải An ra đi, nỗi đau mất con là điều không gì diễn tả hết. Nhưng chị tìm thấy chút an ủi khi biết rằng, qua việc hiến giác mạc, con gái yêu của mình đã mang lại ánh sáng cho những người khác.

"Lúc đó, tôi không nghĩ rằng câu chuyện của Hải An lại có thể chạm đến trái tim của nhiều người đến vậy. Việc được nhiều người biết đến, được chia sẻ câu chuyện của con, ban đầu khiến tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào về con. Tuy nhiên, sau đó, tôi nhận ra rằng, sự nổi tiếng mang đến cả những áp lực không nhỏ. Tôi phải đối mặt với những lời đồn thổi, những kỳ vọng quá lớn từ mọi người. Có những lúc, tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn giữa sự ồn ào của dư luận", chị Dương nhớ lại.


Chị Thùy Dương (đeo kính) xúc động gặp lại người được ghép giác mạc của con gái Hải An (Ảnh: NVCC)

Thế nhưng, chị không thể "chìm đắm" trong nỗi buồn quá lâu. Chị hiểu rằng, bé Hải An muốn mình tiếp tục sống và lan tỏa yêu thương. Vì vậy, chị đã vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục công việc vận động hiến mô tạng.

Bé Hải An qua đời, hiến giác mạc giúp 2 người tìm được ánh sáng. Theo thông tin từ gia đình, cả hai người đều đã hồi phục tốt. Giác mạc của họ đã có lại sự trong suốt, thị lực đã được phục hồi đáng kể, một người đã có thể trở lại làm việc, người còn lại thì tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.

"Khi nghe những tin này, tôi cảm thấy như Hải An vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Đó là động lực để tôi vượt qua những khó khăn và tiếp tục sống", chị nói và cho biết, sau khi con gái Hải An qua đời, chị có dịp đồng hành trong một số chương trình tại các trường học hoặc sự kiện liên quan đến truyền cảm hứng, vận động hiến mô, tạng.

"Khi tôi đứng trước những bạn nhỏ ở độ tuổi của con mình, cảm xúc tràn ngập trong lòng rất mạnh mẽ và phức tạp. Mỗi ánh mắt ngây thơ của các bé như gợi lên hình ảnh của con gái mình. Đó là một nỗi nhớ nhung sâu sắc, kèm theo một nỗi đau âm ỉ của sự mất mát. Nhưng đồng thời, sự hiện diện của những bạn nhỏ này cũng đem lại niềm hy vọng. Nhìn thấy sự hồn nhiên nơi các bé, tôi cảm nhận được trách nhiệm và ý nghĩa lớn lao trong việc lan tỏa thông điệp về sự sống và lòng nhân ái. Chính từ trong nỗi đau tìm thấy sức mạnh để chia sẻ câu chuyện của Hải An, để mọi người hiểu về tầm quan trọng của việc hiến tặng mô tạng", chị Dương tâm sự.


Chị Dương tư vấn đăng ký hiến giác mạc (Ảnh: NVCC)

Tiếp tục lan toả những giá trị tốt đẹp

Sau khi con gái qua đời, mặc dù có nhiều cơ hội việc làm, nhưng chị Dương chọn công việc hiện tại tại Ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Chị cho biết, công việc này mang lại cho chị ý nghĩa lớn lao hơn mọi thứ khác. Việc vận động hiến mô, tạng, và giác mạc không chỉ giúp cứu sống nhiều người mà còn là cách chị tiếp nối câu chuyện của con gái Hải An, truyền cảm hứng và lòng nhân ái đến cộng đồng.

"Dù công việc có vất vả và tôi vẫn đang đối mặt với căn bệnh ung thư của mình, nhưng niềm tin và đam mê trong công việc này đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Tôi tin rằng khi ta làm việc với cả trái tim, những khó khăn sẽ trở thành động lực.

Công việc này không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh, giúp tôi tìm thấy sự an ủi và niềm tin trong cuộc sống, biến nỗi đau cá nhân thành niềm hy vọng cho nhiều người khác", chị chia sẻ.


Chị Dương hàng ngày vẫn âm thầm thay con hoàn thành nốt tâm nguyện còn đang dang dở, đó là “nhân lên những giá trị tốt đẹp từ sự sẻ chia và lòng nhân ái” (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện xúc động mà Dương nhớ nhất là về bệnh nhân khoảng 20 tuổi, bị mất dần thị lực do bệnh lý giác mạc chóp. Gia đình bệnh nhân đã rơi vào tuyệt vọng, nhưng nhờ vào giác mạc hiến tặng của một người không quen biết, em đã có thể nhìn thấy trở lại.

"Nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của em ấy và gia đình sau ca phẫu thuật thành công, tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực và khó khăn đều xứng đáng. Câu chuyện này không chỉ là minh chứng cho sự kỳ diệu của y học và lòng nhân ái, mà còn là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục cống hiến, giúp đỡ nhiều người hơn nữa", chị Dương xúc động.


Chị Dương hạnh phúc khi người được ghép giác mạc nhìn thấy ánh sáng cuộc đời... (Ảnh: NVCC)

Từ những câu chuyện đó chị mong muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa, để những câu chuyện như của Hải An không còn là cá biệt.

"Có thời gian là tôi cũng hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế trong khả năng nhỏ bé của tôi. Tôi biết rằng, con đường phía trước còn rất dài và nhiều thử thách. Nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc hết mình để hiện thực hóa ước mơ của Hải An, đó là mang lại niềm vui , tiếng cười và hy vọng cho những người bệnh", chị Dương bày tỏ.

Qua những gì đã trải qua chị đang ấp ủ việc xây dựng cộng đồng gia đình hiến tạng nơi giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề hiến tạng và xóa bỏ những định kiến. Đồng thời, chị cũng muốn xây dựng một mạng lưới những người hiến tạng, để cùng nhau lan tỏa thông điệp về tình yêu thương và sự chia sẻ.