Hôn mê, thai chết lưu vì coi thường tiểu đường thai kỳ

Mang thai đến tháng thứ 7, chị Huyền (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) được bác sĩ khuyến cáo hạn chế đồ ngọt vì chị có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ. “Thèm đồ ngọt kinh khủng mà phải kiêng, không dám ăn vì sợ tiểu đường thai kỳ gây hại cho con”, chị Huyền tâm sự.

Cũng mang tâm tư như thế, chị Thanh Trang (Q. Hà Đông, Hà Nội) từng trải qua những ngày tháng vô cùng căng thẳng khi mang thai. Khi chị mang thai đến tháng thứ 8, thai nhi không lên cân nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy chị mắc đái tháo đường thai kỳ. Chờ đợi 2 tuần vẫn không thấy thai nhi lên cân, chị Trang quyết định mổ bắt con sớm để tránh biến chứng.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tiểu đường thai kỳ đang trở thành một vấn đề mới nổi, gây nhiều hệ lụy cho cả người mẹ

Theo PGS. Quang Bảy, một số điều tra tại các bệnh viện lớn cho thấy khoảng 6 – 9% những phụ nữ mang thai ở Việt Nam bị đái tháo đường thai kỳ. Đó là những người được phát hiện đái tháo đường lần đầu tiên trong khi mang thai.

Không ít mẹ bầu đối mặt với mối họa mất con vì bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ảnh minh họa.

Tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai luôn có khoảng 10% bệnh nhân nội trú mắc đái tháo đường thai kỳ (khoảng 10 bệnh nhân). Mỗi ngày, phòng khám của khoa có 15 – 20 bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ đến khám.

“Thông thường 90% trường hợp tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh nhưng về lâu dài những người đó sẽ có nguy cơ tiểu đường typ 2 cao hơn người bình thường. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện từ tuần 24-28 của thai kỳ.

Nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ và con là cực lớn nếu không được kiểm soát tốt đường huyết.

Với những tuần đầu có thể gây sảy thai, thai chết lưu, có nhiều trường hợp hỏng thai liên tiếp nhiều lần sau đó mới được phát hiện bị đái tháo đường. Một số trường hợp rất đáng tiếc thai đã 37– 38 tuần bị chết lưu và mẹ bị hôn mê do chỉ số đường huyết quá cao mà không được tầm soát”, PGS. Quang Bảy chia sẻ.  

Bên cạnh đó, đái tháo đường thai kỳ cũng có thể gây ra một số biến chứng như dị tật cho thai đặc biệt là dị tật về tim mạch, thần kinh, … Đối với người mẹ sẽ có các biến chứng như nguy cơ đa ối, đái tháo đường về sau này.

Sàng lọc tiểu đường thai kỳ thế nào?

Theo PGS. Quang Bảy, để sàng lọc ĐTĐ thai kỳ, người ta sẽ phân tầng nguy cơ. Những phụ nữ có nguy cơ cao như đã bị đái tháo đường thai kỳ, tiền sử sinh con to (trên 4000g) gia đình có người bị đái tháo đường, thừa cân béo phì, tuổi trên 35…thì phải sàng lọc ngay lần khám thai đầu tiên.

Những người nguy cơ trung bình thì sàng lọc ở tuần 24-28 thai kỳ. Những người nguy cơ thấp nên thì không cần sàng lọc.

Mẹ bầu cần có ý thức sàng lọc đái tháo đường thai kỳ để tránh biến chứng. Ảnh minh họa.

“Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ được thực hiện giữa tuần thai 24 và 28. Theo đó, người ta sẽ sử dụng nghiệm pháp tăng đường huyết, bằng cách cho uống 75g glucose pha trong 250mL nước và tiến hành đo đường huyết tại 3 thời điểm là trước uống, sau uống 1h và sau uống 2h. Những trường hợp có ít nhất 1 kết quả đo đường huyết trước uống ≥ 5,1ml/l, đường huyết sau uống 1h ≥ 10,0 và sau 2h ≥8,5mmol/l được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ”, PGS. Bảy cho biết.

Đái tháo đường là căn bệnh mẹ bầu có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn. Mẹ bầu cần có ý thức kiểm soát cân nặng, khám thai, sàng lọc đái tháo đường thai kỳ để xử lý kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc.

Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ năm 2012, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường thường cao hơn gấp đôi so với đái tháo đường (13,7% so với 5,4%). Mặt khác, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện.

“Hiện, Việt Nam phải đối mặt gánh nặng bệnh tật ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường, trong khi tỷ lệ mắc trong cộng đồng gia tăng theo cấp số nhân sau từng thập kỷ. Bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường trước khi mắc căn bệnh này mà không biết. Thực tế, đa số chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường qua các đợt khám sức khoẻ hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó”, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cảnh báo.