Tháo chạy khỏi cơn thịnh nộ của "hà bá"

"Không còn gì hết" là tình cảnh của gần 60 người dân chịu ảnh hưởng bởi trận sạt lở kinh hoàng chiều 5/12. Trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, họ chỉ kịp tháo chạy thật nhanh khỏi "miệng hà bá", chấp nhận mất tất cả: nhà, tài sản, đất đai...

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường sạt lở ở ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, nơi đây chỉ còn 2 căn nhà nằm trơ trọi giữa biển nước mênh mông. Trận sạt lở làm vỡ đê bao, sụp 12 căn và cuốn đi 10ha đất vườn của bà con địa phương.

Trong số 13 căn nhà ở khu vực bờ sông Cổ Chiên thuộc ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, chỉ còn một căn nằm trơ trọi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Võ Minh Thảo kể lại, khoảng 3h chiều 5/12, khi đang làm vườn, ông thấy ao cá bên cạnh có tiếng động, đàn cá nháo nhào quẫy nước tung tóe. Chưa kịp định hình chuyện gì ông thấy đất nứt, sụt xuống sông. Tình trạng sau đó lan đến nhà ông. 

"Tôi chạy vội ra trước cửa dùng điện thoại phát trực tiếp trên Facebook ghi lại cảnh mấy sà lan đang hút cát. Thấy trên bờ bị lở, người ở mấy chiếc sà lan vội nhổ neo lái tàu đi. Sau đó tôi chạy nhanh vào nhà chỉ kịp mang giấy tờ tùy thân, di ảnh của ông bà rồi lao khỏi khu vực đó. Chạy một đoạn cách vài chục mét, tôi nhìn thấy căn nhà, cây cối của mình bị sụt xuống sông rồi bị cuốn trôi theo dòng nước", ông Thảo nhớ lại. 

Chứng kiến nhà ông Thảo bị kéo xuống sông nhưng các hộ bên cạnh vẫn chủ quan vì nghĩ các nhà cách nhau mấy chục mét, không có chuyện sạt lở lan đến. Bà Đặng Thị Thẩm (65 tuổi) - một trong các hộ bị mất nhà, nói: "Lúc đó con cái không có ở nhà, chỉ có vợ chồng tôi. Ông chồng tôi gom đồ quý giá nhưng chưa chạy ra ngay vì nghĩ sạt lở không lan đến. Chưa được bao lâu thì đất lở tới nhà, tôi chạy ra ngoài nhưng ông ấy vẫn còn bên trong. May mắn có người cứu được ông ấy, chậm một chút nữa chắc chôn thân trong biển nước". 

Ông Nguyễn Văn Nhứt đến giờ vẫn hãi hùng, chia sẻ từ trước đến giờ ông chưa từng thấy vụ sạt lở nào lạ kỳ đến thế. Trước đó nhà cửa, đất đai không có dấu hiệu nứt nẻ. Đợt sạt lở lần này rất lạ, dòng nước dâng lên hạ xuống rất đột ngột, lan nhanh vào vườn cây và kéo mấy ngôi nhà xuống sông. 

"Ở đây có nhiều sà lan khai thác cát. Từ lúc sạt lở đến giờ chẳng còn chiếc ghe nào neo đậu tại đây", ông Nhứt chỉ tay về hướng các ghe hút cát thường đỗ.

Ông Lê Đăng Khoa xót xa nhìn nhà cửa, vườn tược của cha mình và hàng xóm bị dòng nước cuốn trôi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Mất nhà, mất Tết!

Tai nạn ập đến bất ngờ, chẳng người nào liệu trước được. Như ông Thảo có chục công đất vườn trồng cây ăn trái, một vườn lan và hơn 10 cây mai vàng giá trị từ trăm triệu đồng. Ông đã sửa soạn, cắt tỉa nhánh, dự định Tết này sẽ bán vài cây. Nhưng trong phút chốc đã bị cuốn theo dòng nước. Nhìn tài sản tiêu tan trước mắt không thể làm gì được ông chỉ biết thảng thốt kêu "trời ơi!". 

"Tính đến giờ đất của tôi chắc còn khoảng một công đất, nếu tiếp tục sạt lở chắc không còn gì nữa. Ước tính số tài sản bị mất trên 3 tỷ đồng. Tôi vẫn chưa cho mẹ ruột hay tin sạt lở mất nhà, bà ấy 90 tuổi rồi sợ rằng sẽ sốc lắm", ông Thảo ngậm ngùi nói. 

Ông Võ Minh Thảo mất trắng 3 tỷ đồng vì sạt lở (Ảnh: Bảo Kỳ).

Còn bà Thẩm có cuộc sống khá bấp bênh. Vợ chồng bà làm nghề câu lưới theo con nước, dành dụm tích góp mua được hơn một cây vàng. Chẳng ngờ tai ương ập đến, tiền bạc, của cải cũng tan theo khói mây. 

Tối ngày xảy ra sạt lở, gia đình bà được sơ tán đến trung tâm văn hóa xã ở tạm. Ngày 6/12, cả nhà chuyển sang ở trọ. Chi phí hiện tại được chính quyền địa phương lo liệu. 

"Con trai và con dâu tôi đều làm mướn, thu nhập thấp còn phải nuôi thêm 2 đứa con trai học cấp 1. Giờ tôi chỉ trông mong sớm có được căn nhà để cả nhà được yên ổn. Mấy ngày nay được chính quyền, mạnh thường quân đến tặng quà, hỗ trợ chỗ ở phần nào cũng vơi bớt nỗi đau", bà Thẩm nghẹn ngào. 

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời đồ đạc sau sạt lở (Ảnh: CTV).

Còn chị Đỗ Thị Mỹ xót xa nói: "Đời công nhân vốn đã khốn khó, thắt lưng buộc bụng mới cất được căn nhà nhưng giờ không còn gì nữa. Tết tới nơi rồi cả nhà tôi chẳng biết nương náu ở đâu". 

Trong 2 ngày xảy ra vụ việc, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên tình trạng sạt lở nơi đây vẫn còn rất phức tạp, trước mắt phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Ngành chức năng sẽ sớm khảo sát, nhanh chóng đưa ra các phương án di dời, hỗ trợ và cảnh báo để tránh nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Theo thống kê đến hết ngày 6/12, vụ sạt lở bên theo bờ sông Cổ Chiên làm 12 căn nhà của 12 hộ dân bị thiệt hại, khoảng 10ha đất vườn cây ăn trái gồm sầu riêng, mít, chôm chôm đã bị cuốn trôi hoàn toàn và một căn nhà có nhiều vết nứt chuẩn bị rơi xuống sông Cổ Chiên. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 35 tỷ đồng.

Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 500m, sâu vào đất liền từ 300m đến 400m. Đê bao bị vỡ nên nước tràn vào khu vực này, có chỗ sâu đến hơn 20m. 

Hiện có 6 hộ dân đã được chính quyền hỗ trợ nhà trọ ở tạm thời.