Tử vong vì nhiễm trùng huyết

Sau 10 ngày con gái qua đời, chị Tr, trú tại Đông Anh Hà Nội mới có thể chia sẻ lại câu chuyện của con gái chị như lời cảnh báo cho các bà mẹ đang nuôi con về mức độ nguy hiểm khi chủ quan với vết thương nhỏ của con.

Bé Ỉn con chị Tr. từ lúc sinh ra rất khoẻ, chưa phải đi viện lần nào. Một lần, cháu dẫm phải cái gai ở chân. Vì nghĩ cái gai nên chị Tr. chủ quan không tiêm phòng hay vệ sinh sạch sẽ cho con.

Sau đó bé bị sốt cao và ho. Chị cho con đi khám bác sĩ cho biết bé bị viêm amidan và chị Tr. có nói trước đó cháu có dẫm phải gai nhưng bác sĩ bảo không sao. Về nhà, bé Ỉn vẫn sốt và cho uống hạ sốt thì đỡ. Chị gửi con đi làm. Tuy nhiên, một ngày đang đi làm thì bố mẹ chị gọi về vì bé sốt và li bì nên cho vào viện. Bé vào Bệnh viện huyện Đông Anh điều trị. Bác sĩ truyền dịch và hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện.

Chia sẻ của một bà mẹ trên facebook 

Bé càng ngày càng sốt cao. Sau hai ngày chị chuyển con về Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn. Tại đây, bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm trùng máu và ở thể rất nặng. Bé phải thở ôxy nhưng vẫn bị sốc nhiễm trùng.

Dù điều trị bằng lọc máu nhưng tiến triển chậm sau đó bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, vào bệnh viện chỉ được 1 ngày là bé tử vong vì sốc nhiễm khuẩn.

Chị Tr. không ngờ chỉ vì một cái gai mà chị đã mất con mãi mãi. Nỗi đau mất con càng khiến chị dằn vặt về việc chủ quan với cái gai con dẫm phải. Lúc con sốt, bé vẫn kêu đau ở chân nhưng chị không nghĩ ra đưa bé tới bệnh viện sớm để tình trạng nhiễm trùng nặng lên.

Một bà mẹ khác cũng chia sẻ con của chị qua đời được 20 ngày tại Bệnh viện Nhi trung ương vì cái nhọt ở đầu. Bé bị nhọt ở đầu sau đó sốt cao. Đưa con đi khám thì bác sĩ nói viêm họng và cho thuốc uống nhưng không đỡ. Gọi hỏi bác sĩ thì bác sĩ cho biết cháu bị viêm họng chưa cắt sốt được.

Vi khuẩn có thể tấn công qua mụn nhọt - Ảnh minh họa: Internet

Hai vợ chồng đưa con lên bệnh viện tỉnh. Bác sĩ làm xét nghiệm nghi ngờ nhiễm trùng nhưng chưa rõ nhiễm trùng ở đâu. Gia đình xin đưa bé lên bệnh viện Nhi trung ương khám.

Tại đây, bác sĩ lại làm xét nghiệm và đến 2 giờ chiều có kết quả. Cháu sốt lịm đi và xem kết quả bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay. Bé được đưa lên khoa Hồi sức tích cực, đến 20 giờ tối bác sĩ cho biết bé phải tiến hành lọc máu khẩn cấp nhưng đến 0 giờ ngày hôm sau bác sĩ thông báo bé không qua khỏi. 

Bà mẹ chua xót khi bé sốt 3 ngày và chị đã mất con mãi mãi chỉ vì cái nhọt ở đầu. Nhiều bà mẹ chủ quan cho rằng con sốt mọc răng, sốt vi rút nên cứ điều trị ở nhà đến khi nhiễm trùng nặng vào viện thì đã muộn. 

Bệnh nhiễm trùng huyết nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các ca nhiễm khuẩn huyết.

Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do sự xâm nhập liên tiếp vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của nó. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng vì quá trình phát triển bệnh phụ thuộc không những vào mầm bệnh mà còn phụ thuộc vào đáp ứng của từng cơ thể người bệnh.

Nhiễm trùng do các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương có thể do nặn mụn nhọt sớm làm phá vỡ hàng rào bảo vệ, hoặc có thể là những vi khuẩn bình thường sống cộng sinh trong cơ thể khi gặp điều kiện thuận lợi như tổn thương các cơ quan nội tạng, sức đề kháng cơ thể giảm sẽ trở thành vi khuẩn gây bệnh

Theo bác sĩ Cấp, dấu hiệu của nhiễm trùng máu đầu tiên là sốt, cao. Đây là triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng máu và bệnh nhân có thể sốt cao liên tục 39 đến 40 độ C. Có gai rét và nhiều cơn rét run trong ngày tương ứng lúc vi khuẩn tràn vào máu

Da tái hoặc có các ban dát sẩn, mụn mủ hoặc ban xuất huyết, hoại tử... Ban là do những hạt nhiễm khuẩn theo máu đưa tới gây nên. Cấy tại những ban này có thể thấy được vi khuẩn gây bệnh. 

Đây được coi là bệnh nghiêm trọng có nguy cơ tử vong cao vì gây ra suy hô hấp, suy thận, sốc nhiễm khuẩn gây hoại tử tim, gan, thận, hệ thống tiêu hoá.

Để điều trị, bác sĩ phải cấy máu và xác định vi khuẩn, sử dụng kháng sinh liều cao. Để phòng nhiễm trùng máu, bác sĩ Cấp cho biết cần điều trị triệt để các bệnh có ổ mủ và ổ áp-xe. Khi có mụn nhót không tự nặn, trích sớm nhất là đinh râu, hậu bối.