Ngày 15/3, đại diện Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng đau đớn, vùng đầu mặt cổ sưng nề, biến dạng, vết phỏng nước chảy dịch.

Gia đình cho biết trẻ nhóm rơm nướng ếch, rơm cháy lan vào bật lửa để cạnh đó gây nổ khiến lửa bùng cháy lên đầu mặt cổ. Bố mẹ tự điều trị tại nhà, chọc nốt phỏng nước. Ngày hôm sau thấy mặt sưng nề nhiều, trẻ không ăn được, nốt phỏng chảy dịch, gia đình đưa đến viện.

Ê kíp xử trí giảm đau, giảm tổn thương. Các bác sĩ nhận định do không được xử trí kịp thời và đúng cách nên vết thương nhiễm trùng nghiêm trọng, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng về sau và tạo tâm lý tự ti cho trẻ.

Khi trẻ bị bỏng, việc sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng trong giảm đau và giảm tổn thương, đặc biệt trong 30 phút đầu. Tuy nhiên, nhiều gia đình không đưa con đến viện ngay mà tự sơ cứu bằng cách dội nước mắm, rượu hay bôi kem đánh răng, nhựa cây, lá cây, mỡ trăn, cao lá vào vết thương... Việc này khiến tổn thương nặng thêm, nhiễm trùng nghiêm trọng.

Khi không may xảy ra tai nạn bỏng, cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu như sau:

Bước 1: Tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng.

Bước 2: Làm mát vùng bỏng, cắt bỏ ngay quần áo, ngâm ngay phần bị bỏng vào trong nước sạch, mát hoặc dưới vòi nước đang chảy (nhiệt độ nước khoảng 15-20 độ C là tốt nhất, trong khoảng 15-20 phút). Nếu bỏng hóa chất như vôi tôi nóng thì thời gian khoảng 20-30 phút. Việc này có tác dụng giảm độ sâu bỏng, giảm đau, giảm phù nề.

Bước 3: Giữ vết bỏng sạch, sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn để giảm đau tại chỗ. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng.

Lưu ý, sử dụng nước mát không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng; không chủ động làm vỡ vùng da bị rộp nước. Sau bỏng, trẻ sẽ có những hoảng loạn về tinh thần, khi đó bố mẹ nên động viên, an ủi.