Tình trạng cổ họng con trẻ xuất hiện đờm bao giờ cũng làm cha mẹ lo lắng. Đờm xuất hiện ở cổ sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con như chán ăn, mệt mỏi, nôn trớ, ho, khó thở. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khi trẻ xuất hiện đờm ở cổ họng cha mẹ nên tích cực cho trẻ uống nhiều nước để tiêu đờm.

Cổ họng có đờm là nguyên nhân khiến trẻ chán ăn, ho nhiều. Ảnh internet. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng các phương pháp dân gian như dùng tần dày, quất chưng đường phèn để tiêu đờm cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng đi kèm với tình trạng đờm ở cổ họng và ho có đờm của con. Nếu con trẻ còn có các biểu hiện khác như sốt, thở khò khè, ho kéo dài, nhịp thở nhanh, môi khô, lưỡi bẩn…thì phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, vì đây có thể là triệu chứng của viêm phế quản hay viêm phổi.

Phương pháp dân gian tiêu đờm cho trẻ hiệu quả

Tinh dầu tràm

Dầu tràm là một trong những loại tinh dầu được tạo chiết xuất từ cây tràm gió và rất gần gũi với các bà mẹ Việt vì lợi ích mà nó mang lại trong việc chăm sóc và điều trị những bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Ngoài ra, tinh dầu tràm còn có công dụng chống sưng, chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị suy hô hấp và tiêu đờm. Để dùng dầu tràm tiêu đờm cho trẻ, cha mẹ có thể sử dụng máy xông tinh dầu trong phòng của trẻ. Việc này sẽ giúp tinh dầu đi vào hệ thống hô hấp của trẻ để làm loãng các chất nhầy và dich nơi cổ họng. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể nhỏ vài giọt dầu tràm lên khăn và quàng cổ cho con để giữ ấm vùng cổ hiệu quả.

Hẹ chưng đường phèn

Hẹ chưng đường phèn là bài thuốc tiêu đờm hiệu quả cho trẻ. Ảnh internet. 

Theo Đông Y, hẹ còn được gọi là khởi dương thảo và đây cũng là một loại rau quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Bên cạnh đó hẹ còn là một vị thuốc có tác dụng trợ thận, bổ dương, tán huyết, giải độc và tiêu đờm hiệu quả.

Để tiêu đờm cho trẻ, cha mẹ rửa thật sạch lá hẹ rồi cho vào bát cùng với đường phèn và tiến hàng hấp cách thủy. Sau khi hấp xong, bạn hãy chắt lấy phần nước cho trẻ uống, mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê và kiên trì thực hiện trong 5 ngày. Ngoài khả năng tiêu đờm, hẹ chưng đường phèn còn giúp trẻ giảm ho, tăng sức đề kháng.

Tần dày lá và đường phèn

Tương tự như hẹ, tần dày lá hỗ trợ tiêu đờm nhanh chóng cho trẻ. Ảnh internet. 

Tần dày lá trong dân gian hay còn là húng chanh, là loại rau cỏ mọc quanh nhà rất dễ tìm. Theo nghiên cứu y khoa, trong tần dày lá có chứa colein và tinh dầu chứa chất carvacrol có tác dụng trị ho, tiêu đờm và cảm cúm cho trẻ hiệu quả.

Tương tự hẹ, các mẹ chỉ cần sử dụng 2 – 3 lá húng chanh đã được rửa sạch rồi tiến hành dã nát, sau đó bỏ vào bát cùng với đường phèn vừa đủ và đem hấp cách thủy. Uống húng chanh chưng với đường phèn sẽ giúp trẻ nhanh chóng tiêu đờm, giảm ho và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn hẳn.

Bên cạnh đó, các mẹ có thể thay thế tần dày là hay lá hẹ bằng quất xanh. Trong quất xanh có nhiều pectin, tinh dầu và các vitamin có lợi cho việc chống viêm, chống loét, tiêu đờm, giảm ho rất tốt.

Bài thuốc tiêu đờm chắc chắn không thể bỏ qua quất xanh. Ảnh internet. 

Ngoài việc dùng các thuốc, bài thuốc dân gian để tiêu đờm cho trẻ thì cha mẹ cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống cho con để việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn những sản phẩm có thể gây ra đờm như sữa và các chế phẩm từ sữa (pho mát, bơ, sữa chua…). Trong các thực phẩm này có chứa chất casein, một hoạt chất làm tăng tiết chất nhầy.

Độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ cũng là một vấn đề cha mẹ cần hết sức lưu ý khi trẻ xuất hiện đờm ở cổ. Độ ẩm không khí trong phòng sẽ quyết định đến độ đặc, loãng của đờm trong cổ họng. Nên giữ cho phòng trẻ ở nhiệt độ vừa phải, độ ẩm cao sẽ giúp không khí ẩm hơn và dịch đờm theo đó cũng mềm và loãng hơn.