Vì sao nên massage cho trẻ sơ sinh?

Massage cho trẻ sơ sinh rất hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe của trẻ. Xoa bóp cũng là một cách tuyệt vời để thể hiện tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ, giúp cha mẹ gắn kết với em bé của mình.

Cha mẹ nên massage cho trẻ sơ sinh mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Khi thực  hiện massage, cơ thể cha mẹ và bé đều tiết ra hormone oxytocin tạo cảm giác yêu thương, ấm áp và thoải mái.

Lợi ích của việc massage cho trẻ

Các bé rất thích sự đụng chạm của cha mẹ. Đó là một trong những cách giao tiếp với con. Điều này có thể nhận thấy dễ dàng thông qua việc một đứa bé hay khóc thường nín ngay khi được âu yếm, ôm hoặc vuốt ve lưng.

1. Massage tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh

Xoa bóp giúp cải thiện lưu thông máu và chức năng đường tiêu hóa, có lợi ích trong việc hỗ trợ hơi thở cho trẻ.

Massage bụng của bé giúp giảm bớt các vấn đề liên quan đến dạ dày, chẳng hạn như đầy hơi, táo bón và đau bụng.

2. Làm dịu tâm trạng và giúp trẻ thư giãn

Massage có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, giúp bé ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nó còn giúp trẻ thư giãn cơ bắp và tăng độ đàn hồi cho da.

3. Gắn kết cảm xúc giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh

Việc dành thời gian thân mật với nhau là một cách tạo sự liên kết hiệu quả, giúp cha mẹ làm quen với cơ thể trẻ, hiểu được nhu cầu và tự tin hơn khi tiếp xúc.

Thời điểm tốt nhất để massage cho trẻ sơ sinh

Thời điểm tốt nhất để massage cho trẻ là khi trẻ không đói, không buồn ngủ hay mệt mỏi. Cha mẹ có thể tùy chọn bất cứ lúc nào trong ngày để massage, buổi sáng hoặc buổi tối. Tuy nhiên, không nên massage ngay sau khi ăn, nên cách bữa ăn ít nhất 45 phút.

Việc massage cho trẻ nên thực hiện theo thứ tự cố định mỗi ngày. Điều này sẽ tạo cho bé khả năng dự đoán và nhận biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, từ đó mang lại cho bé cảm giác an toàn và hạnh phúc hơn.

Một gợi ý phù hợp nhất là nên massage cho trẻ trước khi đi ngủ. Xoa bóp trước giờ đi ngủ giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Đối với em bé mới được sinh ra, đừng vội massage cho trẻ quá sớm vì lúc này làn da của bé còn rất non nớt, chưa chịu được những ma sát mạnh hoặc không thích ứng với các loại dầu massage. Nên đợi từ 10 – 14 ngày tuổi trở lên mới bắt đầu massage cho trẻ.

Đối với trẻ sinh non, thời điểm bắt đầu massage nên được bác sĩ chỉ dẫn cụ thể hơn.

Chuẩn bị gì trước khi massage cho trẻ sơ sinh

Điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm trước khi massage cho trẻ là tạo ra không gian tốt nhất. Việc xoa bóp nên được tiến hành ở nơi mà cả cha mẹ lẫn bé đều cảm thấy thoải mái nhất. Có thể đặt trẻ lên trên một chiếc khăn hoặc chăn mềm mại. Đảm bảo nhiệt độ phòng không quá nóng cũng không quá lạnh (khoảng 28 độ C).

Tránh xa các tác nhân có thể gây phiền nhiễu khi massage như thú cưng hoặc điện thoại di động. Cha mẹ có thể mở một bản nhạc (nhạc giao hưởng nhẹ nhàng) hoặc hát cho bé nghe trong khi massage.

Nên chuẩn bị một loại dầu hay kem dưỡng da dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ sơ sinh để massage, nó sẽ giúp tay của bạn lướt nhẹ trên da bé. Nếu em bé của bạn có bất kỳ vấn đề nào về da (ví dụ: bệnh chàm sữa), cha mẹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu massage.

Sử dụng đúng loại dầu massage dành riêng cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Không nên dùng các loại dầu không chuyên dụng để massage cho bé, vì những loại dầu này có thể gây hại cho làn da mềm mại và mỏng manh của bé.

Hướng dẫn massage cho trẻ sơ sinh

Massage cho trẻ nên bắt đầu theo thứ tự:

1. Đầu

Lấy một ít dầu thoa ra tay và vỗ nhẹ lên đầu em bé. Lưu ý, đầu của trẻ sơ sinh rất “mềm”. Hãy vỗ thật nhẹ nhàng và không gây áp lực cho phần đầu của bé

2. Mặt

Thoa một ít dầu lên mặt em bé và xoa bóp bằng phần đệm thịt của ngón tay. Di chuyển ngón tay của cha mẹ từ trán về phía cằm. Vừa di chuyển vừa tạo áp lực nhẹ nhàng lên lông mày, vuốt theo thứ tự từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, lần lượt vuốt má, mũi và cằm.

3. Ngực

Đặt cả hai tay lên giữa ngực của bé và vuốt từ giữa ra phía hai vai, lặp lại chuyển động này một vài lần. Bạn có thể đặt tay theo chiều ngang và thực hiện các động tác vuốt xuống.

4. Bụng

Bắt đầu từ vị trí xương sườn cuối cùng của bé, khép các ngón tay lại và xoa bóp bụng của bé theo chuyển động tròn. Lấy rốn làm trung tâm, dùng ngón tay xoa xung quanh theo chiều kim đồng hồ. Nên tránh xoa bóp bụng cho trẻ sơ sinh nếu dây rốn chưa khô hoàn toàn.

Vuốt bụng bé bằng cách dùng các ngón tay nhẹ nhàng vuốt từ rốn xuống để kích thích bé đánh rắm, tống hơi thừa.

Vuốt theo chiều hướng xuống giúp bé tống hơi thừa ra khỏi ruột - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi thực hiện xoa bóp bụng, gập đầu gối của bé lên chạm bụng và ấn nhẹ nhàng vài nhịp, giữ vị trí này trong khoảng 30 giây rồi duỗi chân bé ra.

Gập đầu gối của bé lên chạm bụng và giữ trong 30s - Ảnh minh họa: Internet

5. Lưng

Cho bé nằm sấp, đầu nghiêng sang 1 bên bất kỳ. Massage bằng cả hai tay của bạn, từ cổ đến mông, phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bàn tay.

Sử dụng một lực nhẹ nhàng từ đệm thịt của các ngón tay và thực hiện các chuyển động tròn trên cột sống của bé, từ trên xuống dưới (từ đốt sống cổ đến đốt sống cùng cụt).

Khi massage lưng, mẹ nên để mặt bé nghiêng sang 1 bên, không để mặt bé úp xuống gối - Ảnh minh họa: Internet

6. Tay, chân và bàn tay, bàn chân

Xoa bóp tay, chân cho trẻ từ nách đến cổ tay, từ đùi đến mắt cá chân. Xoa nhẹ nhàng tay và chân của trẻ giống như cách chúng ta vắt quần áo bị ướt, xoay 2 tay theo hướng ngược nhau.

Massage bàn tay, bàn chân cho trẻ theo hướng từ cổ tay đến ngón tay, từ gót chân đến ngón chân. Sau đó, kéo nhẹ từng ngón tay, ngón chân của trẻ đồng thời xoa bóp quanh mắt cá.

Lưu ý khi massage cho trẻ

1. Sử dụng lực thật nhẹ nhàng trong toàn bộ quá trình

Làn da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, hãy cố gắng kiểm soát lực tay cũng như tránh chà xát quá mạnh khi massage cho trẻ. Hạn chế massage bộ phận sinh dục và xung quanh vùng háng của trẻ.

2. Chỉ massage khi trẻ đang có tâm trạng tốt

Không massage cho trẻ khi trẻ đang cáu kỉnh hoặc quấy khóc. Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ không thoải mái khi xoa bóp một bộ phận cơ thể nào đó, cha mẹ nên bỏ qua phần đó và chuyển sang phần khác.

Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tiếp tục không vui hoặc không thoải mái, hãy dừng buổi massage.

3. Nói chuyện với trẻ

Cha mẹ nên mỉm cười hoặc nói chuyện với trẻ trong các buổi massage. Thậm chí, bạn có thể hát hoặc ngân nga cho bé nghe một giai điệu bất kỳ. Thu hút bé vào những cuộc nói chuyện sẽ giúp bé thích thú và vui vẻ.

4. Cố gắng hình thành thói quen

Cha mẹ nên tuân thủ thời gian massage mỗi ngày và lặp lại liên tục với quy trình không thay đổi. Điều này giúp bé hình thành thói quen, bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn và luôn sẵn sàng cho các buổi massage.

5. Lau sạch dầu thừa

Sau khi massage xong, cha mẹ nên lau sạch dầu ở lòng bàn tay và ngón tay của trẻ, vì trẻ thường đưa ngón tay vào miệng. Mặt khác, mẹ nên chọn loại dầu an toàn cho bé.

Massage cho trẻ là một trong những cách tốt nhất để gắn kết với con. Việc này không chỉ đem lại sự thoải mái cho bé mà còn là một trải nghiệm tuyệt vời của các bậc cha mẹ.

Nguồn: https://parenting.firstcry.com/articles/baby-massage-benefits-and-techniques/