Lý giải chuyên sâu về nguyên nhân gây nắng nóng ở miền Bắc, cách phòng tránh sốc nhiệt, bảo vệ sức khỏe ai cũng cần phải biết
Vì sao ở Bắc Bộ và Trung Bộ xảy nắng nóng đặc biệt gay gắt?
Nắng nóng trên diện rộng, nhiều nơi trên 39 độ
Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bước vào giai đoạn đầu tiên của đợt nắng nóng.
Ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.
Các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, vùng núi Nghệ An có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp 35-50%. Nắng nóng gay gắt do chịu tác động của hiệu ứng phơn lạnh.
Cùng đó, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ. Vùng núi phía Tây có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp 35-45%.
Dự báo thời tiết hôm nay của cơ quan khí tượng cho biết, các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ. Có nơi trên 36 độ, độ ẩm tương đối thấp 45-55%.
Trong khi, khu vực miền Đông Nam Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp 40-55%.
Nắng nóng đến bao giờ?
Dự báo thời tiết nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ kéo dài đến hết ngày 24/3. Từ 25/3, một đợt không khí lạnh tràn về nước ta khiến nhiệt độ giảm sâu. Các tỉnh miền Bắc cần đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong dông.
Theo dự báo thời tiết, đêm 24-25/3 và từ đêm 26-28/3, Hà Nội và các tỉnh thành Bắc Bộ chuyển mưa rào và dông rải rác. Hình thái thời tiết này duy trì ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trong đêm 25/3 đến 28/3.
Thời tiết Hà Nội: Ngày 26/3, nhiệt độ cao nhất giảm gần 10 độ so với ngày hôm trước, dao động 22-26 độ C. Ngày 27-30/3, nhiệt độ tại khu vực này tiếp tục giảm và duy trì nền nhiệt 19-24 độ C, kèm theo mưa và mưa rào rải rác.
Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây nắng nóng gay gắt
Lý giải về nguyên nhân nắng nóng gay gắt diễn ra trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho biết: "Hiện cả 3 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đều đang xảy ra nắng nóng. Riêng khu vực Nam Bộ thì đúng theo quy luật.
Tuy nhiên, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân xảy ra nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ chủ yếu do chịu ảnh hưởng bởi vùng thấp phía Tây và hội tụ gió Phơn", ông Nguyễn Văn Hưởng nói.
Hiệu ứng phơn (hay gió khô nóng) là gì?
Hiện tượng gió vượt đèo được gọi là phơn (foehn). Từ bên kia sườn núi gió thổi lên, càng lên cao không khí càng bị bị lạnh dần đi rồi ngưng kết tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết toả ra.
Sau khi vượt qua đỉnh gió thổi xuống bên này núi, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy đến chân núi bên này không khí trở nên khô và nóng hơn. Hiện tượng này gọi là "Hiệu ứng phơn". Đỉnh núi càng cao chênh lệch nhiệt độ càng lớn.
Như vậy, không khí ẩm sau khi vượt qua một chướng ngại vật (dãy núi cao) bị biến đổi tính chất, trở nên khô nóng hơn. Quá trình biến đổi tính chất như trên được gọi là "hiệu ứng phơn".
Thời tiết thế nào được gọi là nắng nóng?
Nắng nóng là một dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra trong những tháng mùa hè. Nắng nóng là sự biểu hiện khi nền nhiệt độ trung bình ngày khá cao và được đặc trưng ở nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Nắng nóng có thể xảy ra trong trường hợp ít mây, độ ẩm tương đối của không khí thấp (thông thường giảm xuống dưới 55%) thì được gọi là hiện tượng khô nóng. Trường hợp nắng nóng xảy ra trong điều kiện nhiều mây, độ ẩm tương đối trong không khí tương đối cao khi đó thời tiết kèm theo nó là rất oi bức. Cùng đó, cơ thể con người cảm thấy rất khó chịu.
Trong những ngày nắng nóng đôi khi có xảy ra mưa rào và dông vào lúc chiều tối. Tuy nhiên, do các yếu tố khí tượng có mối quan hệ khá chặt chẽ nên đơn giản mức độ nắng nóng được căn cứ theo nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Các cấp độ nắng nóng cần phân biệt?
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, một ngày, tại địa phương nào đó được coi là có nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất (ký hiệu là Tx) đạt mức 35 độ C ≤ Tx < 37 độ C. Nắng nóng gay gắt khi 37 độ C ≤ Tx < 39 độ C và được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt khi Tx ≥ 39 độ C.
Trong một khu vực dự báo (ví dụ đồng bằng Bắc Bộ), nếu quan sát thấy có ít nhất từ một nửa số trạm quan trắc trở lên có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là ngày nắng nóng diện rộng.
Còn khi chỉ quan sát thấy dưới một nửa số trạm trong khu vực có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là nắng nóng cục bộ.
Khi nắng nóng diện rộng xuất hiện liên tục từ 2 ngày trở lên trong một khu vực dự báo thì được gọi là một đợt nắng nóng.
Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hàng năm có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao. Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.
Thời tiết nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt virus…). Ngoài ra, việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).
Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.
Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.
Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…
Cần áp dụng những biện pháp gì chống nắng nóng?
Nắng nóng nên uống nhiều nước
Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.
Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng
Để tăng cường sức đề kháng hiệu quả mùa nắng nóng, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn.
Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước. Ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Mặc trang phục mát trong những ngày nắng nóng
Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi trong những ngày nắng nóng. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.
Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt khi thời tiết nắng nóng.
Ngoài ra cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ khi thời tiết nắng nóng
Giữ nhà cửa thông thoáng. Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà.
Lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.
Tránh xa tia UV khi trời nắng nóng gay gắt
Nếu cần thiết phải ra nắng thì cần cố gắng ra nắng trong thời gian ngắn và thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15.
Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 10 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.
Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…
Sử dụng dùng quạt và điều hòa đúng cách trong những ngày nắng nóng
Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh.
Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 26-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.
Phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng cần làm gì?
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo:
Người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng. Ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy); loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng...
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.