Ông Quang và bà Bích tại đám tang cháu Q. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố bị can Lê Minh Quang (45 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú tỉnh Lâm Đồng) và Cao Thị Thu Bích (39 tuổi, thường trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về tội Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt. Hai người này trước đó bị ông N.H.N. (ở Thừa Thiên - Huế) tố giác liên quan việc cháu M.Q. (3 tuổi, con trai ông N.) tử vong, bị thiêu xác.

Theo nội dung vụ án, gia đình ông N. gửi con trai cho ông Quang điều trị bệnh chậm phát triển với chi phí 200 triệu đồng/tháng. Tới cuối tháng 3, gia đình nhận tin bé Q. tử vong vì Covid-19. Ông Quang khi đó cho biết đã tự thiêu cháu bé rồi bỏ tro cốt vào hũ, trao cho gia đình.

Mói đây, gia đình một cháu bé khác cũng làm đơn tố cáo ông Quang có hành vi bạo hành. Với những động thái này, vụ án có thể diễn biến theo chiều hướng nào?

Cần làm rõ mục đích đốt xác

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng thông thường khi cháu bé tử vong, người liên quan có trách nhiệm thông báo cho gia đình và cơ quan chức năng địa phương. Việc ông Quang tự ý hỏa táng thi thể bé Q. một cách vội vã là vấn đề bất thường, cần tiếp tục được xác minh làm rõ.

Theo ông Hậu, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ cái chết của bé Q. có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay không. Đến nay, với việc cơ quan chức năng khởi tố bị can Quang về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định nhiều khả năng ông Quang có động cơ, mục đích khác khi thiêu xác cháu bé.

Căn nhà ông Quang sử dụng để điều trị cho bé Q. Ảnh: X.Đ.

Luật sư Hậu phân tích về mặt chủ quan, đối với tội danh Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội có thể là tham lam, tư lợi, trả thù, che giấu tội phạm hoặc do mục đích cá nhân khác (như lấy bộ phận cơ thể người chết).

"Với việc công an đã khởi tố ông Quang, có thể thấy nguyên nhân, mục đích thực hiện hành vi có khả năng đã bắt đầu sáng tỏ. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lấy lời khai để củng cố chứng cứ, làm rõ những điểm bất thường trong vụ án, đặc biệt là nguyên nhân cái chết của bé Q.", ông Hậu nhận định.

Với những thông tin cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí, luật sư Hậu cho rằng hành vi của ông Quang đã đáp ứng 3 yếu tố còn lại để cấu thành tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước tiên, về mặt chủ thể, ông Quang đã 45 tuổi, được xác định có đầy đủ năng lực hành vi. Còn về mặt khách thể, hành vi này không chỉ xâm phạm thế giới tình cảm tâm linh, phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức của người Việt Nam đối với việc an táng người chết mà còn trực tiếp xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Một người trưởng thành và đầy đủ năng lực hành vi, ông Quang phải nhận thức được việc đưa thi thể cháu bé đến nơi vắng vẻ để thiêu là trái phép là trái với luân thường đạo lý, xâm phạm về mặt tình cảm, tâm linh lẫn các quyền nhân thân thuộc về gia đình cháu bé. Ngoài ra, việc tự ý thiêu ở giữa bãi đất trống cũng gây nguy hiểm cho an toàn, trật tự công cộng.

Về mặt khách quan, ông Quang đã có hành vi hủy hoại mà cụ thể là tự ý đốt thi thể bé trai. Do đó, hành vi đáp ứng về mặt khách quan của tội phạm.

Có thể khởi tố thêm tội danh?

Mới đây, ngày 19/9, một gia đình khác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đang làm đơn tố giác việc con trai họ bị bạo hành trong thời gian được ông Quang chữa bệnh chậm phát triển. Chị L. (người làm đơn) cho biết năm 2016, ông Quang đến nhà chơi và bảo con chị bị tự kỷ. Gia đình gửi con tới tháng 3/2022 nhận lại thì phát hiện cơ thể bé trai có hàng chục vết sẹo trên người, kết quả chụp phim tổng quát cho thấy xương chân phải và 2 ngón tay út bị gãy.

Chị L. cũng cho biết khi về nhà, con trai chị kể rằng liên tục bị ông Quang đánh đập bằng gậy gỗ, vòi hoa sen vào đầu, tay, chân, miệng… do ăn chậm. Ngoài ra, bé còn bị ông Quang phạt quỳ trong nhà vệ sinh, nhai gạo sống rồi nuốt vào bụng. Bé trai này còn kể với mẹ việc nhiều lần thầy Quang dùng nạng gỗ đánh đập bé M.Q.

Trước những tình tiết này, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Nguyên Điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, còn nhiều tình tiết mờ ám, chưa sáng tỏ. Cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh mà chưa cần tới đơn của gia đình các nạn nhân.

Ông Quang (trái) và bà Bích. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Đối với trường hợp bé M.Q., nguyên điều tra viên cho rằng các hành vi của ông Quang cần được đưa vào diện hiềm nghi, tức có các mối liên quan trực tiếp đến cái chết của bé trai. Đồng thời, cơ quan công an cần làm rõ hàng loạt câu hỏi như tại sao bị can mang xác bé trai đi thiêu mà không báo cáo chính quyền địa phương? Mục đích thực hiện hành vi này là gì? Ngoài ông Quang (người bị tàn tật 2 chân) và một người phụ nữ là bà Bích, còn ai giúp sức cho họ thực hiện hành vi thiêu thi thể bé trai hay không?

Đối với trường hợp của gia đình chị L., ông Biên nhìn nhận nếu lời kể của con trai chị là chính xác, hành vi của ông Quang có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, gia đình có thể gửi kết quả chụp tổng quát của cháu bé tới viện khoa học hình sự để giám định thương tật. Trường hợp xác định bé trai có thương tật, với tình tiết định khung phạm tội với người dưới 16 tuổi, ông Quang thậm chí có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ làm rõ liệu ông Quang có hành vi đánh đập bé Q. và xác định đây có phải là nguyên nhân trực tiếp (nếu có) dẫn tới cái chết của bé trai hay không. Trường hợp xác định có hành vi đánh đập và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi này và cái chết của bé trai, ông Quang có thể bị xem xét xử lý về tội Giết người hoặc Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung làm chết người theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nguyên điều tra viên cho rằng cần làm rõ người này có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ để hành nghề khám chữa bệnh hay không. Trường hợp bị can không có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ, nhưng vẫn thu tiền của gia đình các bị hại, người này có thể bị xem xét xử lý thêm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với bà Bích, luật sư Hậu nhìn nhận trong vụ việc này, hành vi lái xe chở ông Quang đi thiêu thi thể bé trai được xem là hành động giúp sức, tạo điều kiện để ông Quang thực hiện hành vi phạm tội. Không trực tiếp thực hiện hành vi đốt xác bé trai, người phụ nữ vẫn bị xử lý về tội danh tương tự ông Quang với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực. Ngoài ra, nếu trong quá trình lấy lời khai, cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định ông Quang đánh chết bé Q. và phạm tội Giết người, bà Bích có thể bị xem xét xử lý thêm về tội Không tố giác tội phạm theo Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015.