Chiều 25/11, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP HCM bước vào phiên tranh luận vụ xét xử sơ thẩm cha ruột và "dì ghẻ" bạo hành bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP HCM đến tử vong.

Đại diện VKS đã đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người"và mức án 2-3 năm tù về tội "Hành hạ người khác". Tổng hình phạt chung đối với bị cáo này là tử hình. 

Thái và Trang tại toà hôm 21/7 - Ảnh: Thanh Thuỷ

Đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha ruột nạn nhân) dù không trực tiếp bạo hành bé V.A đến tử vong, nhưng đại diện VKS nhận định, bị cáo dù biết nhân tình thường xuyên đánh đập, hành hạ con ruột mà không can ngăn. 

Xét thấy các hành vi của bị cáo Thái rất đáng lên án, đại diện VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo này mức án 2-3 năm tù tội "Hành hạ người khác" và 4-5 năm tù đối với tội "Che giấu tội phạm". Tổng hợp hình phạt chung, bị cáo Thái bị đề nghị từ 6-8 năm tù.

2 bị cáo nghe toà tuyên án vào chiều tối ngày 25/11 - Ảnh: Thanh Thuỷ

Đến chiều cùng ngày, sau thời gian nghị án, HĐXX tuyên án cụ thể như sau. Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang nhận mức án tử hình. Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái 8 năm tù, tính từ ngày 31/12/2021.

Trong tối cùng ngày, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, bản án 8 năm cho cha đẻ nạn nhân là chưa thsich đáng với những gì Thái đã gây ra cho chính con gái ruột.

Ông Thơm cho biết Luật sư bảo vệ bị hại có quyền kháng cáo Bản án. Cụ thể, quan điểm của gia đình và các luật sư bảo vệ quyền lợi bị hại đều cho rằng phán quyết của HĐXX chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu, nguyện vọng khi xử phạt bị cáo trang. Nhưng đối với bị cáo Thái chỉ bị xử phạt 8 năm tù là chưa tương xứng với tội ác tàn độc gây ra cho cháu bé. Do đó cần thiết phải xử lý thái về tội Giết người là đúng luật.

Trong thời hạn luật định là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án thì Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

Theo quy định này thì Luật sư bảo vệ bị hại có quyền tự mình làm đơn kháng cáo nếu không đồng ý với Bản án, quyết định của HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh ngày 25/11/2021.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư Hà Nội) hé lộ toàn bộ những vật dụng dùng để hành hạ bé V.A. - Ảnh: FBNV

Phân tích kỹ hơn về quyết định kháng cáo, luật sư Thơm trình bày

Điều 331 BLTTHS. Người có quyền kháng cáo

1.Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.