Sự phát triển của bé từ 6 đến 9 tháng tuổi

Khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng tuổi là giai đoạn mà con yêu của mẹ đang tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trẻ có thể ngồi ổn định hơn trong thời gian dài mà không cần hỗ trợ, lúc này trẻ bắt đầu nhận diện được đồ vật và ghi nhớ chúng kể cả khi chúng không ở gần trẻ.

Những loại đồ chơi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi

Đồ chơi được sử dụng như một công cụ giúp kích thích và phát triển trí não của bé. Do đó, điều quan trọng mà cha mẹ cần làm đó là lựa chọn đúng loại đồ chơi có tính tương tác cao, khiến bé luôn thích thú và muốn chiếm giữ mọi lúc.

Chọn mua đồ chơi cho trẻ là một việc làm đòi hỏi không ít tâm sức của cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là một vài loại đồ chơi cho trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi, giúp bé phát triển tốt nhất và có một khoảng thời gian tuyệt vời khi trải nghiệm:

Đồ chơi âm nhạc

Đồ chơi âm nhạc hoặc đồ chơi phát ra âm thanh sẽ giúp phát triển các giác quan của trẻ. Đồ chơi âm nhạc thường mô phỏng theo giọng nói của động vật hoặc phát ra những giai điệu và bài hát thu hút trẻ, giúp phát triển niềm yêu thích đối với âm nhạc.

Các loại đồ chơi phát ra âm thanh sẽ thu hút sự chú ý tập trung của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Phần lớn các loại đồ chơi âm nhạc đơn giản sẽ tạo ra tiếng động khi bé đập vào chúng. Các loại đồ chơi gợi ý cho mẹ như: Điện thoại đồ chơi, đàn bấm phím (tạo tiếng động khi bé ấn vào), các quả banh có chuông hoặc những loại đồ chơi phát ra âm thanh khi bé lắc hoặc bóp chúng.

Đồ chơi bằng gỗ

Đồ chơi bằng gỗ có nhiều hình dạng kèm theo các hình mẫu sắp xếp sẵn (ví dụ: xếp thành khối vuông, thành hình mô phỏng con vật…) giúp trẻ hình thành liên kết giữa các hình dạng, màu sắc và kích cỡ khác nhau, phát triển các kỹ năng tư duy khác biệt của trẻ.

Đồ chơi bằng gỗ giúp bé phát triển kỹ năng tư duy từ sớm - Ảnh minh họa: Internet

Thông thường, các em bé ở tuổi này chỉ cần học được cách phân biệt các kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau của các khối gỗ hoặc chỉ đơn giản là lắp các khối lại với nhau theo ý thích. Đồ chơi bằng gỗ có sức bền rất cao, bé có thể sử dụng trong thời gian rất lâu sau đó.

Búp bê hoặc siêu nhân

Trẻ em ở độ tuổi này có xu hướng thích một con búp bê (siêu nhân) hoặc đồ chơi mềm mại và xem nó như một người bạn. Loại đồ chơi này sẽ giúp trẻ phát triển các giác quan và hình thành cảm giác gắn bó.

Con yêu của mẹ có thể muốn ôm, hôn, vuốt ve thậm chí là ngủ cùng với món đồ chơi của trẻ, đây là một dấu hiệu rất tốt của sự hình thành và phát triển ý thức xã hội.

Đồ chơi nhồi bông

Cũng giống như búp bê, đồ chơi nhồi bông sẽ giúp trẻ phát triển ý thức gắn bó và trách nhiệm với người khác, trẻ sẽ luôn muốn có đồ chơi nhồi bông bên cạnh bầu bạn, phát triển tình yêu thương với mọi người.

Đồ chơi xe đẩy

Đồ chơi xe đẩy giúp trẻ phát triển khả năng phối hợp tay và mắt. Khi di chuyển, đồ chơi xe đẩy mang lại cảm giác thích thú và vui vẻ khi trẻ đẩy chúng ra xung quanh một cách dễ dàng.

Đồ chơi có bánh xe và có thể đẩy được dễ dàng sẽ giúp bé biết cách phối hợp hoạt động giữa tay và ánh mắt - Ảnh minh họa: Internet

Quả banh tròn (quả bóng)

Chơi với những quả banh sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh tế và cảm giác xung quanh tốt hơn.

Banh là món đồ chơi có thể bắt gặp ở hầu hết gia đình đang nuôi con nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Khi mẹ đặt một quả banh vào tay bé, hãy chuẩn bị tinh thần để chạy xung quanh và đuổi theo vì bé chắc chắn sẽ ném nó ngay khi nhận món đồ chơi này. Nên chọn một quả banh tạo ra âm thanh leng keng khi chơi, nó sẽ lôi cuốn bé hơn nữa.

Đồ chơi mô phỏng các vật dụng

Các món đồ chơi mô phỏng đồ gia dụng trong nhà là một trong những loại đồ chơi hoàn hảo cho trẻ em, không phân biệt tuổi tác. Các vật dụng gia đình như: nồi, chảo, bát nhựa, cốc đo lường, tủ lạnh, bếp gas, muỗng, đũa… giúp bé giải trí rất tốt và phát triển kỹ năng nắm bắt, kỹ năng xúc giác và vận dụng khéo léo các ngón tay.

Những đứa trẻ trong độ tuổi từ 6 – 9 tháng tuổi có thể chỉ biết đập các món đồ vật vào nhau nhưng dần dần trẻ sẽ cố gắng sắp xếp chúng theo thứ tự và tìm thấy niềm vui khi chơi đùa.

Những lợi ích khi mẹ tập cho bé chơi đồ chơi từ sớm

Những em bé chơi đồ chơi sớm sẽ có được sự phát triển toàn diện hơn về nhiều mặt như:

- Ý thức tự sắp xếp đồ đạc của mình tốt hơn.

- Ý thức trách nhiệm đối với những gì thuộc về mình.

- Từ quan điểm trí tuệ, trẻ học được cách nhận biết và phân biệt giữa các màu sắc, hình dạng và kích cỡ khác nhau.

- Trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và âm nhạc.

- Cải thiện sự tập trung của trẻ khi chúng chú ý vào một món đồ chơi cụ thể trong thời gian dài.

Lưu ý khi chọn đồ chơi cho trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi

Dù là món đồ chơi nào, dành cho lứa tuổi nào, cha mẹ cũng phải đưa yếu tố an toàn cho trẻ lên hàng đầu. Không chọn những món đồ vượt quá độ tuổi cho phép.

Tránh chọn đồ chơi có cạnh sắc hoặc nặng hơn khả năng trẻ có thể xoay sở để chơi. Đồ chơi phải dễ cầm nắm và không có những mảnh nhỏ mà bé có thể cho vào miệng hoặc nuốt.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cẩn thận và thường xuyên quan sát khi trẻ chơi đồ chơi vì bé có thể quá mải mê mà không nhận thức được những nguy hiểm có thể xảy ra xung quanh.

Chơi đồ chơi là một phần quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và hỗ trợ đắc lực trong công tác giáo dục trẻ em.

Vì vậy, chọn lựa đồ chơi cho trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi không phải là quá sớm. Hãy là một ông bố bà mẹ thông thái  trong việc chọn lựa để con yêu có được những giây phút chơi đùa đáng giá.

 Nguồn: https://parenting.firstcry.com/articles/best-toys-for-your-6-9-month-old-baby/