Lớp học ở trong chùa: Học trò la hét, đánh lại, cô rơi nước mắt vì thương
Cô giáo Trần Thị Thoa (SN 1954, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nghỉ hưu từ năm 2009 nhưng cho đến nay, sau hàng chục năm, bà vẫn chưa từ giã bục giảng.
Hàng tuần, vào thứ 7, Chủ nhật, người phụ nữ này lại đạp chiếc xe đạp cũ đến dạy học cho những đứa trẻ kém may mắn ở một ngôi chùa.
Lớp học được thành lập vào năm 2007 tại chùa Hương Lan (huyện Chương Mỹ). Ban đầu, lớp có 40 em là các học sinh tật nguyền do di chứng chất độc da cam, học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn từ các huyện Đan Phượng, Chúc Sơn, Quốc Oai… của TP Hà Nội.
Hiện số người theo học lên đến 58 với 6 cô giáo cùng dạy, trong đó có 3 cô giáo đã về hưu.
58 em học sinh được chia làm 2 lớp nhưng theo bà Thoa, không phải lúc nào lớp học cũng đầy đủ bởi việc đến trường của các em phụ thuộc vào cha mẹ. Nếu các phụ huynh bận đi làm, đau ốm… lại không có ai chở các em đến lớp.
Học sinh của lớp cũng rất đặc biệt, các em từ 6 đến 30 tuổi vẫn học chung cùng nhau.
Theo bà Thoa, điều giúp bà gắn bó với lớp học suốt hơn 12 năm chính là sự kiên trì. ‘Tôi thương các cháu. Trong khi các bạn khác khỏe mạnh, được đến trường, những đứa trẻ này lại không.
Tôi muốn các cháu có thể biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán đơn giản để sau này có cơ hội đi làm, hòa nhập cuộc sống’.
‘Nếu không kiên trì, mình không làm được. Nhiều cô đến dạy nhưng đã phải bỏ cuộc'.
Bà cũng nhắc đến tên các cô Hòa, cô Âu, cô Nhàn, cô Hạnh… những người bạn đồng hành với bà suốt nhiều năm qua.
Bà Thoa lý giải: ‘Có những ngày đang học, các em trong lớp hét lên, hoặc khóc. Chúng tôi lại phải dừng việc dạy, dỗ dành các em, ổn định lớp mới có thể học tiếp.
Nhưng không phải lúc nào cũng nhanh chóng ổn định trật tự được, có học sinh còn quay sang đánh cô giáo'.
Bà cũng nhớ trường hợp bạn gái đã 30 tuổi, đến ngày của chu kỳ kinh nguyệt, vết bẩn dây ra quần áo, bàn ghế, cô giáo lại phải đưa đi thay quần áo, giặt giũ.
Trong quãng thời gian gắn bó với các học sinh đặc biệt, có nhiều kỷ niệm khiến bà Thoa ấn tượng. Đó là một học sinh bị câm. Sau nhiều năm học ở lớp, em có thể viết chữ rất đẹp và làm được các phép toán.
Một lần, bạn trêu em về chuyện lấy chồng, em lấy phấn ghi lên bảng dòng chữ: ‘Xấu lắm, không ai lấy’. Ý của em là mình xấu, lại tật nguyền sau này khó có hạnh phúc. Lúc đấy, tôi thương em vô cùng. Tôi cũng viết lại trên bảng: ‘Không phải thế đâu, xinh lắm’, bà Thoa kể.
Sau này, khi biết viết, biết làm toán, em nghỉ học ở lớp và đi làm ở một xưởng may, nuôi sống bản thân.
Cũng theo bà Thoa, hoàn cảnh các em đều là con gia đình nông dân, khó khăn. Phụ huynh của họ dường như tuyệt vọng khi sinh con ra không được khỏe mạnh, lành lặn. Từ ngày con đến trường, có thể đọc viết, họ hạnh phúc vô cùng.
Đồng hành cùng cô Thoa từ ngày mở lớp đến nay là cô Lê Thị Hòa, đang là giáo viên một trường tiểu học của huyện Chương Mỹ. Cô Hòa cũng là người thành lập lớp học đặc biệt này.
‘Ngày đó, tôi dạy các cháu tại nhà, trong căn phòng chỉ 8m2. Khi số học sinh tăng lên 14 người, tôi đành phải tìm địa điểm mới.
Một lần đi lễ ở chùa Hương Lan, tôi chia sẻ băn khoăn với sư thầy. Không ngờ sư thầy rất ủng hộ và dành căn phòng 25m2 ở chùa cho việc học của các cháu. Lớp học tồn tại cho đến nay’, cô Hòa kể.
Nhiều năm đồng hành cùng những đứa trẻ đặc biệt, cô Hòa có không ít kỷ niệm đáng nhớ. ‘Tôi ấn tượng với em Dung (ở Hoài Đức). Nhà cách lớp học 23- 24 km, Dung vẫn đến lớp đều đặn. Một lần phải nghỉ 1 buổi học, em nhắn tin qua facebook cho tôi: ‘Con nhớ cô’. Em mong muốn sau này làm cô giáo để giúp tôi dạy các em học sinh ở đây’, cô Hòa kể.
‘Các con đến lớp học được miễn phí hoàn toàn. Hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 6 tôi dạy ở trường tiểu học, cuối tuần tôi lại đến lớp học này. Tôi cho các con con chữ, bù lại các con cũng cho tôi niềm vui’, cô Hòa chia sẻ thêm.
Cô giáo này cũng ấn tượng với các món quà mà cô nhận được từ học trò: ‘Đó là 1 chiếc khăn len do học trò gỡ len ra từ áo của mình, đan tặng cô giáo; 1 chiếc trâm cài tóc do cô học trò câm mua sau khi nhận được tháng lương đầu tiên… Không chỉ học trò, phụ huynh ở đây cũng rất tình cảm’, cô Hòa khẳng định.
‘Họ mang cho chúng tôi 1 kg đỗ đen trồng được từ trong vườn nhà, vẫn còn hạt mốc, con sâu… Có phụ huynh mang cho cô giáo 7 quả trứng gà, thật thà cho biết: ‘Chờ mãi để gà đẻ đủ chục quả trứng mà không được’.
Vào ngày cuối năm, một phụ huynh khác gõ cửa nhà tôi với chai nước mắm… Tôi thương cảnh họ nuôi con vất vả, không muốn nhận nhưng không nhận người ta lại chạnh lòng. Tôi biết, họ muốn tặng các cô nhiều hơn, họ có lòng nhưng họ nghèo quá…’, cô Hòa nhớ lại.
Cô giáo này cũng khoe, cô vừa nhận được tiền thưởng 5 triệu đồng từ giải thưởng Công dân Thủ đô ưu tú. ‘Lúc chưa nhận được tiền thưởng nhưng tôi đã dẫn các em đi may mỗi cô trò một chiếc áo, hết hơn 7 triệu để vào năm học mới’, cô giáo cười lớn kể lại.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm
Cây khế là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình cao. Cây trưởng thành nên được bón phân...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...