Hơn 20 năm qua, cứ 3-4 giờ chiều là người dân xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An kéo nhau đến đại lý vé số chờ xem kết quả sổ số.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, chủ tịch xã cho biết, lúc đó, người dân đổ về đại lý vé số rất đông, không khí trở nên nhộn nhịp, người mua vé số thì hồi hộp, lo lắng.
Sau giờ thông báo kết quả, người trúng số vui nhưng không dám thể hiện ra bên ngoài. Còn những người không trúng thất thần đi về, nuôi hi vọng hôm sau sẽ đến lượt mình.
Đi chùa đề cầu… trúng số
Ông Phương cho biết, chuyện trúng số độc đắc bắt đầu đến với xã An Nhựt Tân từ năm 1991. Từ đó đến nay, hầu như năm nào địa phương này cũng có người trúng số.
Theo thống kê của UBND xã An Nhựt Tân, 5 năm qua, địa phương này có 15 người trúng giải độc đắc, chưa kể những người trúng giải nhất, giải nhì, giải ba và các giải nhỏ lẻ. Số người trúng số nhiều nhất tập trung ở ấp 1/3 của xã.
Bốn người đầu tiên nhận được ‘lộc trời’ là ông T, ông M, ông Th và ông Nh. Trong đó, ông T là người trúng 42 tờ độc đắc cùng lúc. Ba người còn lại trúng giải độc đắc từ 3-5 lần liên tiếp, chưa kể những giải nhỏ lẻ.
Từ những người nghèo, làm nông dân, công nhân, cửu vạn, cuộc sống của ông T và ba người còn lại trở nên giàu sang. Họ làm tiệc ăn mừng, xây nhà to, mua xe đắt tiền và hưởng cuộc sống xa hoa. Nhìn họ, những người trong làng ai cũng mong mình được đổi đời nhờ... trúng số.
‘Xã An Nhựt Tân là xã nông nghiệp. Người dân mưu sinh bằng các nghề: trồng lúa, trồng cói làm chiếu, làm công nhân… nên cuộc sống khá khó khăn. Tự nhiên ở nơi mình sống có người giàu lên từ những đồng tiền không phải lao động cực nhọc, ai không ham?’, ông Phương nói.
Trong năm nay, An Nhựt Tân có anh P, làm bảo vệ trúng hai lần độc đắc. Lần thứ nhất là hai tờ. Lần thứ hai là ba tờ.
Ông Phương cho biết, gia đình anh P chỉ công bố giải thưởng lần một và nhờ ủy ban xã làm cầu nối để đi phát gạo, mì tôm, dầu ăn… cho người nghèo. ‘Lần thứ hai, tôi chỉ mới nghe người dân ở xã đồn nhau và mấy người bán vé số nói lại. Chắc gia đình họ không muốn ồn ào’, vị chủ tịch xã thông tin.
Lý giải nguyên nhân hơn 20 năm qua, địa phương liên tục có người trúng số, giải độc đắc, vị chủ tịch xã cho biết, do người dân mua nhiều nên trúng. ‘Một ngày, người ta mua 100 tờ hoặc hơn thì sao không trúng được. Bây giờ, cứ ra ngồi ở quán nước một lúc thôi là người bán vé số vào mời mua liên tục. Người không mua chỉ lắc đầu thôi cũng đủ mệt rồi’, vị chủ tịch xã nói.
Ông Phương cũng cho biết, ở xã có một ngôi đình ở ấp 1/3, theo người dân thông tin, ngôi đình khá linh thiêng. Hầu hết người trúng độc đắc đều ở ấp này. Tiếng đồn vang xa, người dân trong xã cũng đến đây cầu may.
‘Người ta tìm đến chùa, đình là để cầu may mắn, bình an, sức khỏe, gia đình hạnh phúc nhưng một bộ phận người dân ở xã tôi thì khác. Họ đi chùa, đình chỉ để cầu cho mình được… trúng số’, ông Phương nói và cho biết, đã có rất nhiều người trắng tay vì trò may rủi này.
‘Trúng một lần rồi, người ta mua tiếp để mong trúng tiếp. Cứ như thế, kinh tế đi xuống thôi’, ông Phương nói buồn.
Tiền dễ đến cũng dễ đi
Anh Ph, từng trúng 6 giải nhất, vô số giải hai, giải ba và nhiều giải khuyến khích... Anh cho biết, có thời gian 4 tháng liên tiếp, ngày nào anh cũng trúng số.
‘Cứ mua vé số là tôi trúng, không giải lớn thì giải nhỏ. Có khi ngồi với mấy đứa bạn, tôi nói vui, hôm nay tôi không trúng số thì bữa nhậu này tôi bao. Vừa nói xong đến giờ quay số thì tôi trúng’, anh Ph nói.
Nhận được tiền thưởng, anh Ph làm vốn chăn nuôi vịt, phần còn lại thì tổ chức ăn tiệc, bỏ ra mỗi ngày 1-2 triệu đồng mua vé số.
"Trúng một lần, tôi lại muốn trúng tiếp. Cứ thế, tôi bị cuốn vào cái trò may rủi. Tiền có được mà không phải đổ mồ hôi, tôi tiêu phóng thoáng lắm’, người đàn ông quê Long An kể về chuyện của mình trước đây.
Sau đó, đàn vịt anh Ph nuôi cứ đến lúc bán là đổ bệnh, chết hàng loạt. Việc trúng số cũng không còn ‘gõ cửa’ nhà anh nữa. Kinh tế trở nên kiệt quệ, anh Ph nhận ra, chỉ có tiền mình phải lao động vất vả mới được lâu. Còn tiền từ trên ‘trời rơi xuống’ thì không ra đi bằng cách này cũng bằng cách khác, anh quyết định ‘cai’ vé số.
Anh Ph cùng vợ phát triển kinh tế gia đình bằng cách đi học kinh nghiệm trồng thanh long, bưởi ở địa phương khác về áp dụng cho gia đình mình. Ban đầu, vợ chồng anh đi vay vốn để mua giống, phân bón, rơm, đúc trụ trồng thanh long. Đến nay, vườn thanh long hơn 1000 trụ của vợ chồng anh đã đến mùa thu hoạch.
‘Tiền kiếm được bằng mồ hôi, công sức, ý tưởng sáng tạo của mình nên quý lắm. Bây giờ, tôi đi chùa chỉ để cầu mong cho cả nhà có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, gia đình hạnh phúc’, anh Ph nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương khuyên người dân ở địa phương mình nên kiếm tiền bằng những việc làm chân chính và phải biết tôn trọng tiền mình vất vả kiếm được. Mua vé số chỉ để cho vui, để ủng hộ những người nghèo. Nếu may mắn trúng số thì nên biết cách sử dụng, đừng nên chỉ chăm chăm lo ăn xài, không chịu lao động thì kiểu gì cũng hết.
Vị chủ tịch xã cũng cho biết, nếu như trước đây, An Nhựt Tân trồng lúa là công việc chính thì hiện nay, nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế gia đình mình bằng cách phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn trái và phát triển tương lai cho con em bằng cách cho đi học đại học, cao đẳng, trung cấp.
'Hiện xã tôi có một dự án khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù để khởi công xây dựng. Mong rằng khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động kinh tế người dân cũng sẽ tốt hơn', ông Phương nói.