"Sự cố khiến tôi bị ảnh hưởng tinh thần và danh dự"

Chia sẻ trên báo Vnexpress, bác sĩ Đức, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, bác sĩ đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình tối 30/6 nói: "Sự cố khiến tôi bị ảnh hưởng tới tinh thần và danh dự, dù có giải thích gì đi nữa thì cũng ít người thông cảm".

Thai nhi chào đời đã chết lưu 7 ngày, có vết rách ở cổ dài 8 cm là sự cố y khoa ngoài ý muốn.

Ông cho biết tối 30/6 nhận tin báo cần hỗ trợ từ kíp trực đỡ đẻ cho sản phụ Tình do họ không thể xoay đỡ được bé ra ngoài.

Bác sĩ Minh Đức, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Ảnh: Vietnamnet.

Hai phút sau, ông tới phòng đẻ, kiểm tra xác định thai đã chết lưu từ trước. Để cứu người mẹ, ông quyết định kéo thai nhi ra, trong quá trình đấy để lại vết rách dài 8 cm trên cổ bé. Sau đó ông khâu vết rách lại "nhằm giúp người nhà tránh hoảng loạn, xúc động mạnh khi nhìn thấy cháu bé".

Bác sĩ Đức giải thích, lúc đỡ đẻ, ông dùng lực kéo rất nhẹ, với một thai bình thường thì không bao giờ có thể bị rách da.

"Trường hợp này là do sự cố y khoa ngoài mong muốn. Lỗi của bệnh viện là quy trình khám ban đầu không phát hiện ra thai chết lưu để có xử trí hợp lý. Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân của tôi rất ngắn, để đảm bảo an toàn cho người mẹ thì phải đưa được thai ra ngoài", bác sĩ Đức nói.

Bác sĩ Đức cũng cho biết sau khi đỡ đẻ ông đã chụp lại hình ảnh thai nhi và cùng kíp trực ra giải thích với người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên lúc đó tâm lý ai cũng hoảng loạn, bức xúc nên có thể người nhà không nghe những lời giải thích mà cho rằng bác sĩ gây ra sự cố.

Do bệnh viện thiếu người

Theo báo Vietnamnet, được biết, thời điểm xảy ra sự cố, ê kíp tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Tình có bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền là bác sĩ trực chính, hộ sinh Hoàng Thị Định và hộ sinh Hoàng Thị Trinh.

Hộ sinh Hoàng Thị Định cho hay, thời điểm sản phụ Tình nhập viện, chị là người trực tiếp thăm khám, xác định sản phụ thai 35 tuần, tử cung đã mở 4 phân.

Còn hộ sinh Hoàng Thị Trinh thì cho biết, quá trình vào chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần.

Bệnh viện đa khoa Đức Thọ, nơi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ảnh: Vietnamnet.

Lần đầu vào 9h39 phút (ngày 30/6), lần thứ 2 vào 12h trưa và lần thứ 3 vào 15h cùng ngày. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 – 130 lần/phút.

Ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc BV đa khoa huyện Đức Thọ cho hay, do thiếu người nên bác sĩ Quyền, chuyên khoa Răng Hàm Mặt phải trực khối gồm cả khoa ngoại và sản.

"Do thiếu người nên cả khoa sản chỉ có hai bác sĩ sản. Ngoài bác sĩ Đức thì còn một bác sĩ khác đang đi vắng. Vì thiếu người nên bác sĩ Quyền chuyên Răng Hàm Mặt phải phụ trách", ông Cường nói

Trước câu hỏi một bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt không biết gì về khoa sản nhưng lại được trực chính khoa sản, xảy ra tai biến sản khoa thì sẽ như thế nào? Ông Cường nói: "Biết thế nhưng do thiếu người nên bác sĩ Quyền phải trực sản".

Theo Vnexpress, bác sĩ Nguyễn Minh Đức sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, làm việc tại Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ từ năm 2004, sau đó tu nghiệp sau đại học chuyên ngành sản khoa ở Đại học Y Hà Nội.

Năm 2006, ông tốt nghiệp về công tác tại khoa sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, làm việc qua nhiều vị trí và hiện là Trưởng khoa Sản.

Ngày 2/7, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra sự việc, xử lý kỷ luật cán bộ liên quan nếu có sai phạm. Sở Y tế Hà Tĩnh và hội đồng chuyên môn bước đầu xác định kíp trực đã thăm khám, theo dõi, chăm sóc sản phụ không đúng quy trình của Bộ Y tế, dẫn đến không phát hiện thai chết lưu đã 7 ngày.

Bác sĩ trực cũng không chỉ định siêu âm thai nên không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Nữ hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.