Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, cho biết bắp cải nhiều vitamin B, C, K, E và khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, kali... "Đây là thực phẩm có nhiều nước và chất xơ không hòa tan, rất có lợi cho sức khỏe", bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Trong thành phần bắp cải có glutamine chống viêm, giảm kích ứng, dị ứng và các rối loạn về da. Các chất xơ, vitamin, khoáng chất giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón. Hàm lượng polyphenol cao trong bắp cải giảm nguy cơ bệnh tim mạch do ngăn ngừa tích tụ tiểu cầu và hạ huyết áp. 

Ảnh: Medical News Today

Tạp chí Cancer Biomarkers & Prevention của Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu, cho thấy bắp cải chứa hàm lượng glucosinolates tương đối cao có đặc tính chống ung thư. Glucosinolates được cơ thể hấp thụ chuyển thành hợp chất isothiocyanate giúp ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang và ung thư đại tràng.

Tuy có nhiều lợi ích, bắp cải không phải là thực phẩm tốt với những người sau: 

Người bị tuyến giáp, bướu cổ

Cải bắp chứa lượng nhỏ goitrin làm bướu cổ to lên, tuyến giáp phình ra. Do đó chỉ nên ăn một lượng bắp cải vừa phải, cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, sau khoảng 10-15 phút mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.

Người bệnh thận

Bắp cải nhiều axit oxalic, mát và có tính lợi tiểu nên người bị bệnh thận, chạy thận nên hạn chế.

Người bệnh dạ dày

Ăn bắp cải sống dễ sinh đầy bụng, đặc biệt đối với người bị đau dạ dày. Do đó, tuyệt đối không nên ăn sống, nếu ăn thì phải nấu chín.