Nhiều tỉnh thành thí điểm dạy học 5 ngày/tuần. Ảnh: Y Kiện.

Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh THCS, THPT nghỉ học thứ bảy.

Cụ thể, tỉnh thực hiện thí điểm đối với khối 6, 7, 8 cấp THCS; khối 10, 11 cấp THPT ở một số trường đại diện cho các vùng, miền. Thí điểm từ học kỳ 2 năm học 2024-2025.

Các trường thực hiện thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy, phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; phải được sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh nhà trường.

Tháng 9/2024, UBND tỉnh Lai Châu triển khai dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy, chủ nhật đối với tất cả cấp học. Việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch thời gian năm học.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, chủ trương này được áp dụng thí điểm đối với học sinh THCS tại TP Hà Tĩnh từ năm học 2024-2025. Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh yêu cầu các trường học có kế hoạch bố trí việc dạy học đảm bảo đúng quy định không quá 8 tiết/ngày, không dồn ép giờ học và không cắt xén chương trình chung. Ngoài ra, các trường học yêu cầu giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), từ ngày 4/11, 3 trường THCS Suối Hoa, THCS Ninh Xá và THCS Vệ An thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày trong tuần. Riêng trường THCS Nguyễn Đăng Đạo là trường trọng điểm, liên quan đến kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh nên thời gian thực hiện thí điểm từ 20/1/2025.

Các trường chủ động bố trí thêm hoạt động câu lạc bộ thể thao, năng khiếu, nghệ thuật, đọc sách truyện, rèn kỹ năng sống, tăng tiết Toán, Văn... vào thời gian còn lại của các buổi chiều. Riêng THCS Nguyễn Đăng Đạo có thể đề xuất thêm thời gian ôn luyện cho các đội tuyển học sinh giỏi.

Tháng 11/2024, UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn chỉ đạo các đơn vị về việc tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần. Hiện tại, ở cấp mầm non, tỉnh này có 124/134 cơ sở dạy và học 5 ngày/tuần; cấp tiểu học là 209/2029 cơ sở; cấp THCS là 21/112 cơ sở, cấp THPT là 10/33 cơ sở.

Qua báo cáo trên, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đối với giáo dục mầm non, tiểu học tiếp tục tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật.

Cấp THCS và THPT tiếp tục tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần đối với các đơn vị đang thực hiện. Những đơn vị chưa thực hiện nhưng đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện như ý kiến tham mưu, đề xuất của giám đốc sở.

Những đơn vị hiện nay chưa đảm bảo điều kiện để tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần nhưng có thể sắp xếp, bố trí được thì khuyến khích thực hiện trong năm học 2024-2025, trường hợp không bố trí được thì thực hiện vào đầu năm học 2025-2026.

Riêng đối với khối lớp 12, tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị bố trí lịch dạy và học linh hoạt, khoa học, đảm bảo chất lượng.

UBND tỉnh cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, chỉ đạo, đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đến năm học 2025-2026 có 100% trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần (trừ khối lớp 12).

Lào Cai là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần đối với cấp THCS, cho phép học sinh nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần. Chương trình bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Theo Sở GD&ĐT Lào Cai, chương trình này đã góp phần gia tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, kể cả ở những khu vực vùng cao. Tỷ lệ bỏ học giảm đáng kể, từ 1,2% vào năm học 2019-2020 xuống còn 0,8% trong năm học 2023-2024. Cùng với đó, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS cũng tăng lên, từ 12.500 em vào năm 2021 lên 14.429 em vào năm 2024.

Theo các địa phương, việc cho học sinh học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy, chủ nhật nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của các nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Cùng với đó là khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên của nhà trường; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Học sinh sẽ giảm áp lực học tập và có thêm thời gian tự học, tự bồi dưỡng, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động cùng với gia đình, người thân, bạn bè hoặc tham gia trải nghiệm, rèn luyện thể thao, năng khiếu khi được nghỉ trọn vẹn ngày thứ bảy và chủ nhật.

Nghỉ thứ bảy cũng là nhu cầu chính đáng của viên chức trong trường, giúp giáo viên nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cho tuần làm việc kế tiếp.

Các địa phương đều đặt ra yêu cầu việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch năm học.