Gây án trong tình trạng “ngáo đá”

Ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc người “ngáo đá” có những hành động bất thường khiến người xung quanh cảm thấy kinh hãi. Mới đây, một thanh niên 'ngáo đá' đã treo lơ lửng mình trên cột điện giữa đường Tố Hữu, Quận Hà Đông, Hà Nội.

Được biết nam thanh niên này đã "cố thủ" nhiều giờ trên phần ngọn của cột điện giữa đường Tố Hữu. Lực lực chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để "giải cứu" nam thanh niên. Rất đông người dân hiếu kỳ đã kéo đến đây chứng kiến sự việc này.

Nam thanh niên "ngáo đá" treo mình lơ lửng trên cột điện chiều 6/11. Ảnh: Thu Hà

Đây không phải là vụ việc duy nhất liên quan đến người “ngáo đá” có hành động bất thường. Sáng 15/10/2019, người dân sinh sống tại căn nhà tại đường Nguyễn Thị Thập (quận 7, TP HCM) bất ngờ phát hiện nam thanh niên nghi “ngáo đá” leo lên sân thượng với nhiều biểu hiện lạ.

Lực lượng Cứu nạn cứu hộ và Cảnh sát PCCC quận 7 có mặt ở hiện trường, triển khai công tác cứu hộ. Trong lúc này, thanh niên đi lại, la hét điên cuồng.

Nam thanh niên la hét điên cuồng trên sân thượng. Ảnh: Bảo vệ Pháp luật.

Sau 6 giờ thuyết phục, trong khi sân thượng không có lan can rất nguy hiểm, lực lượng chức năng phải bơm đệm hơi để dưới mặt đất đề phòng người này rơi xuống. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, nam thanh niên này mới đuối sức và nằm xuống nền.

Một vụ việc khác xảy ra khoảng 3h30' rạng sáng ngày 6/10/2019, bé P. được người thân (ngụ khu phố 1, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đưa vào bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng vết thương ở vùng bụng, ngực, tràn khí màn phổi…; đa vết thương hở, tổn thương lách, dạ dày, tim, màng phổi. 

Người cha "ngáo đá" ném con từ tầng hai xuống đất. Ảnh: Bảo vệ Pháp luật. 

Trước đó, người cha của bé có dấu hiệu ngáo đá, bị ảo giác nên nhìn con trai 9 tuổi của mình tưởng là… con chó và lấy dao đâm bé trọng thương.

Rất nhiều người chứng kiến sự việc không khỏi kinh hãi và thắc mắc không hiểu vì lý do nào người “ngáo đá” có thể hành động bất thường vượt ngoài sức tưởng tượng như thế? Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ mà còn nguy hiểm cho những người xung quanh. Đáng chú ý hơn, rất nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra mà các hung thủ đều được xác định đã gây án trong tình trạng “ngáo đá”.

Tháng 11/2018, một người bố 'ngáo đá' tại Nghệ An đã ném con khoảng 2 tuổi từ mái tầng hai xuống. Rất may, bé trai lăn trên mái tôn và được lực lượng chức năng đỡ kịp nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Đối tượng ngáo đá sau khi ném con thì bị lực lượng chức năng khống chế.

Loạn thần do ma túy đá nguy hiểm thế nào?

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ThS.BS Đinh Hữu Uân, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa tâm thần, Thành viên hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA lý giải sở dĩ trong cơn phê thuốc của mình, người “ngáo đá” có những hành động gây nguy hiểm cho những người xung quanh bởi họ sử dụng ma túy đá.

Khác với những loại ma túy truyền thống thường chỉ gây hại chủ yếu cho sức khỏe của người sử dụng, ma túy đá được xem là ma túy thế hệ mới, được tổng hợp hoàn toàn từ các loại hóa chất gây ảo giác và các chất này có khả năng chi phối thần kinh của đối tượng sử dụng, khiến cho họ có những hành vi và suy nghĩ vô cùng bất thường.

ThS.BS Đinh Hữu Uân, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa tâm thần, Thành viên hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA. Ảnh: BSCC

Bản chất ma túy đá là một chất kích thích tâm thần, được tổng hợp ra từ năm 1887. Từ gốc kích thích tâm thần mà người ta tổng hợp ra những chất kích thích tâm thần mạnh.

Chất kích thích tâm thần này đã được quân đội Đức sử dụng cho binh lính từ chiến tranh thế giới thứ 2. Có tác dụng làm cho binh lính Đức không mệt mỏi khi ra trận và canh gác.
Ma túy đá hay còn gọi là “hàng đá”, tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp.

Khi ma túy đá vào cơ thể, nó sẽ kích thích tế bào thần kinh trung ương tăng sinh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh một cách cao độ làm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh tăng vọt trong máu đưa người chơi vào trạng thái hưng phấn một cách tột độ”, Bác sĩ Uân lý giải.

Theo bác sĩ Đinh Hữu Uân, “ngáo đá” là trạng thái loạn thần do ma túy đá. Sau khi sử dụng ma túy đá, người chơi xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi. Những triệu chứng loạn thần trên dân gian gọi là “ngáo đá”.

Mối nguy hiểm mà ma túy đá gây ra cho người nghiện là ảo giác, hoang tưởng.

Bệnh nhân nghe thấy tiếng nói trong đầu với nội dung xui khiến, ra lệnh, trò chuyện với bệnh nhân. Nội dung của ảo thanh thường tiêu cực. Vì vậy, người nghiện ma túy đá trong cơn "phê thuốc" có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho bản thân bệnh nhân và những người xung quanh như tự hủy hoại cơ thể bằng cách đốt túi ni lông cho nóng chảy rồi nhỏ lên cơ thể.

Có bệnh nhân còn tự chặt ngón chân hoặc ngón tay của mình mà không ý thức được việc mình làm. Có người dùng những vật sắc nhọn có tính sát thương cao tấn công điên cuồng người xung quanh.

"Tuy nhiên, sau một thời gian hưng phấn cao độ, khi thuốc tan, người bệnh cảm thấy mệt mỏi rã rời, buồn rầu và thường nằm lì trong phòng không chịu giao tiếp. Chính cảm giác mệt mỏi này sẽ thúc đẩy người nghiện tiếp tục đi tìm ma túy đá, rơi vào vòng luẩn quẩn nghiện ma túy lúc nào không biết và vô cùng khó khăn để từ bỏ nó", Bác sĩ Uân cảnh báo.