Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, Việt Nam có khoảng 10.000 loài thực vật, trong đó gần 4.000 loài có khả năng sử dụng làm thuốc. Cây dừa cạn là một trong số những loại như vậy.

Theo bác sĩ Hương, dừa cạn là cây bản địa của vùng Madagascar ở châu Phi. Cây còn được gọi là trường xuân, hải đằng, cây bông dừa… 

Tại Việt Nam, cây dừa cạn mọc nhiều nhất ở các tỉnh ven biển, trên các bãi cát, dưới rừng phi lao. Cây có khả năng chịu đựng điều kiện khô cằn nhưng không chịu được thời tiết lạnh. Người ta thường trồng dừa cạn làm cảnh trong vườn nhà, mọc thành bụi, hoa có màu hồng tím hoặc màu trắng.

Cây dừa cạn vừa trồng làm cảnh vừa là dược liệu. Ảnh: Pexels.

Bác sĩ Hương cho biết cây dừa cạn thuộc họ trúc đào, chứa hàm lượng alkaloid cao. Từ loại cây này, người ta chiết xuất được các terpenoid indole alkaloid (TIA) có nhiều dược tính quan trọng, góp phần điều trị ung thư máu, tăng huyết áp, tiểu đường, tẩy giun, chữa sốt cao.

Cụ thể, hai loại alkaloid gồm vinblastine và vincristine (có nhiều trong cây dừa cạn hoa màu hồng tím) được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị ung thư. Đó là những chất ức chế mạnh sự phân chia tế bào, góp phần ngăn chặn sự sinh trưởng của tế bào.

Tuy nhiên, hàm lượng các chất trên chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng alkaloid trong cây dừa cạn (dưới 1/10.000). Ước tính phải mất 500kg lá cây dừa cạn khô mới sản xuất được 1g vinblastine.

Theo y học cổ truyền, cây dừa cạn có tính mát, vị đắng, tác dụng tiêu viêm, giải độc, thanh nhiệt, bình can, trấn tĩnh, an thần, hạ áp. Theo y học hiện đại, loại cây này có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường và hạ huyết áp. Thân và lá có thể dùng để chữa một số bệnh ngoài da.  

Bác sĩ Hương lưu ý, mặc dù có công dụng chữa bệnh nhưng dừa cạn cũng có các tác dụng phụ thường gặp như gây bệnh thần kinh ngoại vi, táo bón, rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, yếu cơ, giảm bạch cầu, chán ăn, viêm miệng. Nếu sử dụng liều cao và kéo dài, người bệnh có thể mù lòa, thậm chí tử vong.

Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý sử dụng cây dừa cạn chữa bệnh, tránh hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó, lưu ý tuyệt đối không sử dụng cây dừa cạn đối với người bị huyết áp thấp, suy giảm chức năng gan, thiếu máu; thận trọng khi sử dụng trên người bệnh gout; không dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.