Tại sao trẻ sơ sinh có thói quen mút tay?

Nhiều trẻ em rất thích đưa ngón tay cái vào miệng mút và giữ yên trong khoảng thời gian dài. Nếu cha mẹ lấy tay bé ra, bé sẽ cáu gắt, giận giữ và tiếp tục cho đưa tay vào miệng.

Lý giải nguyên nhân vì sao trẻ sơ sinh có thói quen mút tay, nhiều chuyên gia cho biết hành động này giúp bé phần nào có cảm giác an toàn hơn. Trên thực tế, môi trường xung quanh có nhiều yếu tố tác động (tiếng ồn, không gian đông người…) khiến bé dễ bị kích thích. Cảm giác mút tay sẽ giúp bé tránh bị tác động từ những nguồn gây kích thích này.

 Nhiều trẻ mút tay để giảm tác động từ các yếu tố gây kích thích bên ngoài - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ sơ sinh mút tay còn xuất phát từ nguyên nhân con đói bụng. Nhiều trẻ khi đói sẽ không khóc mà chỉ đưa ngón tay vào mút theo bản năng. Não bộ trẻ lúc nãy sẽ mặc định hoạt động mút sẽ tạo ra sữa như khi bé bú mẹ. Bé sẽ liên tục mút tay đến khi được mẹ cho ăn.

Bên cạnh đó, khi bé tự hoạt động hoặc nằm chơi một mình, bé sẽ cho tay vào mút như một trò chơi quen thuộc. Mút tay còn giúp bé giảm đi cảm giác khó chịu khi không nhìn thấy mẹ, khi mè nheo nhưng không ai chơi cùng. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh mệt lả người, khó đi vào giấc ngủ có thể vô thức mút tay như thói quen bú mẹ khi lim dim ngủ.

Đến tuổi mọc răng, vùng nướu răng trẻ sơ sinh có hiện tượng chảy dãi, ngứa và sưng đau. Vùng nướu bị kích thích khiến bé muốn đưa tay lên ngậm hoặc nhai bất kỳ vật gì để giảm cơn ngứa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến trẻ hay mút tay.

Cách trị mút tay ở trẻ sơ sinh

Để biết cách trị thói quen mút tay ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Nếu trẻ mút tay vì đói, mẹ hãy cho mẹ trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức theo nhu cầu. Đây cũng có thể là tín hiệu tốt báo hiệu trẻ sẽ tăng lượng sữa bú theo từng giai đoạn phát triển.

Một trong những gợi ý giúp cha mẹ loại bỏ thói quen mút tay của trẻ là đưa một món đồ chơi cho trẻ cầm. Trẻ sẽ đưa tay với lấy đồ chơi và tiếp tục có ý định cho vào miệng. Do đó, mẹ cần chuẩn bị loại đồ chơi mềm, đã được vệ sinh sạch, an toàn cho trẻ.

Cha mẹ nên cho trẻ một món độ chơi hoặc ngậm ti giả để trị thói quen mút tay của con - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ hay mút tay do chuẩn bị mọc răng, mẹ hãy dùng ngón tay sạch hoặc vòng mọc răng lạnh chà vào nướu giúp giảm đau, giảm sưng. Bé sẽ quên đi thói quen cho tay vào miệng mút. Mẹ cũng có thể cho trẻ ngậm ti giả để giảm cơn ngứa vùng nướu của bé.

Ngoài ra, khi quan sát thấy trẻ bị kích thích do căng thẳng hoặc quá mệt mỏi, cha mẹ nên trò chuyện, trấn an và hát cho trẻ nghe. Bé sẽ sớm trở về trạng thái cân bằng, thói quen mút tay sẽ được loại bỏ.