Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) chia sẻ trên báo Người lao động: Thay vì lăn tăn lo lắng chuyện có thể nuốt trúng con SARS-CoV-2 vào bụng từ thức ăn mua ngoài hàng về, mọi người nên chú ý đến bàn tay và cách tiếp xúc với người bán hoặc người giao hàng - shipper.

Bác sĩ giải thích thêm SARS-CoV-2 là virus lây bệnh qua đường hô hấp chứ không phải đường tiêu hóa. Khả năng bạn nuốt phải virus rồi bị bệnh thông qua một món ăn nào đó như ổ bánh mì, tô bún... mua ngoài hagnf mang về là không có.

Trường hợp ở nhà mà vẫn dương tính, bác sĩ Khanh nhấn mạnh mọi người cần chú ý đến đôi tay.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM)

Mầm bệnh không nằm trong thức ăn nhưng có thể ở trên bao bì, nằm ở phía người bạn tiếp xúc để có được phần thức ăn đó và có thể ở đâu đó trong quá trình giao nhận đồ. Vì vậy, ki nhận được một phần thức ăn được giao tới, việc đầu tiên chúng ta cần làm là giữ an toàn giữa người giao và người nhận. Khi giao nhận đồ, hai bên cần đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn. Có thể tìm một điểm trung gian như chiếc bàn, người giao đặt đồ ở đó rồi rời đi, khi đó người nhận mới tiến đến để lấy đồ.

Nếu bạn sống trong chung cư, hãy đồng lòng để có một hành lang đủ thoáng đãng khi nhận hàng. Ngoài ra, cần phải đảm bảo nút ấn thang máy sạch sẽ hoặc đơn giản là bạn rửa tay thường xuyên khi chạm vào những vật dụng công cộng.

Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng đưa ra một lưu ý, virus có thể nằm trên bao bì sản phẩm. Bạn có thể làm sạch, phơi nắng nếu muốn tái sử dụng hoặc bỏ bao bì đi. Mầm bệnh cũng có thể nằm ở tiền thừa được trả lại. Nhưng quan trọng hơn cả, bàn tay thường là thủ phạm trung gian gây ra lây nhiễm. Vì vậy, cách đơn giản nhất là rửa tay sớm nhất có thể sau khi nhận hàng, sau khi bóc hàng và trước khi ăn. Virus từ những tờ tiền không có cách gì bay trực tiếp vào đường hô hấp vì không ai đưa tiền lên mặt bao giờ. Tất cả đều từ đôi bàn tay mà ra.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, nếu mọi người vẫn còn lo lắng về việc virus có thể lây qua đồ ăn thì hâm nóng chúng trước khi dùng cũng là một việc tốt. Nó có thể giúp chống lại các loại vi khuẩn khác.

Trong bối cảnh người có yếu tố nguy cơ vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, mọi người cung không nên ăn chung phần ăn với nhau nếu trong nhà có người vẫn phải đi ra ngoài. Biến chúng Delta lây lan rất nhanh. Người có thẻ xanh vắc xin vẫn nên tạm thời ăn riêng, sinh hoạt riêng nếu trong nhà có người lớn tuổi, người mang bệnh nền nhưng chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc chưa đủ ngày.